Quê tôi tên gọi Bến Tre, nằm giữa những hàng dừa xanh tươi vững chãi là những mái nhà lá tương đối cao ráo khang trang. Ngày trước, thông thường trước tết nửa tháng thì xóm tôi nhộn nhịp hẳn lên, nhà nào dù giàu hay nghèo cũng lo chuẩn bị đón tết. Đầu tiên là những gốc mai được lặt lá để nó trổ bông kịp dịp tết, cây kiểng cũng được chăm sóc cắt xén, chỉ vài ngày sau không khí trở nên khác hẳn khi nhìn thấy những chồi non căng nhựa nhú lên xinh xinh. Những lò bánh tráng, bánh phồng được nổi lửa, tiếng chày quết bánh phồng nghe nhộn nhịp nôn nao. Những vỉ bánh tráng phơi trắng ruộng đồng, những chiếc chiếu phơi bánh phồng đầy sân, nhưng chưa bao giờ tình làng nghĩa xóm ấm áp, gần gũi thân tình đến thế. Bây giờ thì mua là chủ yếu, chỉ còn một vài nhà làm để cho họ hàng thân quyến.
Kế tiếp là việc đưa ông Táo về trời, theo lời mẹ tôi kể: hàng năm đến ngày 23 tháng chạp là Táo lên trời tâu với Ngọc hoàng việc thiện ác của nhân gian.
Xóm tôi còn giữ tục đi gói bánh tét vần công. Khoảng 29 tết, từ chập tối đến khuya các mẹ rủ nhau đi gói bánh. Quê tôi những đêm gói bánh tét, bọn trẻ con được nghe bao nhiêu chuyện: Những đòn bánh tét trên vai người du kích đêm công đồn, những xuồng bánh tét theo các mẹ, các chị vào cứ cho bộ đội ăn tết…
Những niềm vui nỗi buồn của người còn sống nói về những người đã khuất, nhắc người đã nên danh nên phận mà không trở lại thăm một lần với bao trách cứ yêu thương. Các cô gái bên lò nướng bánh kẹp, bánh bông lan, bên thau dừa trắng phau để rây vào đó những màu sắc vui mắt, chuẩn bị cho nồi mứt ngọt lừ… Bao bàn tay khéo léo trổ tài đảm đang đón xuân với bao ước mơ thầm kín. Nay thì các cô gái, cậu trai rời bỏ quê đi làm công nhân ở các công trường xa ở Bình Dương, Đồng Nai… đến cận tết mới bồng trống về đem theo vài hộp mứt rực rỡ sắc màu, ít giỏ trái cây bọc giấy kiếng… nên nay chỉ còn những người già ngồi nuối tiếc tết xưa.
Từ sáng 30 nhiều gia đình đã mổ heo, tiếng người gọi nhau í ới đi chia thịt, có thể mua bằng tiền mặt nếu như gia đình dư giả, còn không, có thể hẹn đến mùa lúa để đong trả. Sự tương trợ kì diệu có từ bao đời nay ở những con người “Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” làm ấm áp bao trái tim, bao tấm lòng mộc mạc. Bếp đỏ lửa những ngày giáp tết, sân vườn sạch sẽ, nước đầy khạp, đầy lu.
Không khí trở nên khác hẳn khi nhìn thấy những chồi non căng nhựa nhú lên xinh xinh... (Ảnh minh họa)
Chiều 30 nhà làm lễ cúng tất niên, ta thường gọi đó là tục rước ông bà. Bữa cơm có ý nghĩa rất quan trọng, bởi ngày này gia đình nào mọi người cùng về tề tựu đông đủ. Trên bàn thờ ông bà đèn nhang thấp sáng, mâm cúng được bày biện cổ bàn.
Năm nào cũng vậy đĩa ngũ quả cũng được mẹ tôi sắp rất khéo, rất đẹp với những loại trái cây hái từ trong vườn được lựa chọn kỹ càng. Mỗi năm thì vào giờ phút này ba tôi thấp nhang cúng vái ông bà tổ tiên về chung vui năm mới với con cháu, từ ngày ba tôi mất thì mẹ tôi thay thế công việc thiêng liêng đó. Mẹ tôi nói với con cháu lễ cúng tất niên còn là buổi họp mặt đông đủ giữa người chết và người sống trong không khí nghĩa tình thắm thiết của gia tộc.
Giao thừa đến! Đêm cuối năm thời điểm phân chia ranh giới giữa năm cũ và năm mới, chuông đổ tiếng gióng giả vang lên trong không khí tĩnh lặng, người người phấn chấn đón chào năm mới.
Sáng mùng một, trên bờ, dưới sông xuồng ghe, xe cộ, người lớn, trẻ con, người già đều mặc áo mới qua lại tấp nập, gương mặt tươi roi rói, chào nhau bằng nụ cười. Trẻ con đi mừng tuối ông bà, họ hàng, hy vọng sẽ nhận được những phong bao lì xì trong đó có những tờ bạc mới nguyên lấy hên năm mới. Mùng hai tết những người có gia đình họ chở con về thăm ông bà họ ngoại, có người đi thăm thủ trưởng cơ quan hay đồng nghiệp, bạn bè. Mùng ba tết thường dành cho những học sinh cũ đi viếng thăm thầy cô giáo, vì theo tục thì “Mùng ba tết thầy”.
Tết Việt Nam là cái tết thiêng liêng, có nhà ăn tết ba hôm, có nhà ăn tết bảy hôm, nhưng cũng tùy điều kiện thực tế, có nhà mùng ba đã ra đồng, có những công nhân viên chức đã trở lại cơ quan… nhưng hương vị tết thì cứ đậm đà mãi trong lòng mọi người. Những lần ăn tết ở quê, con tôi hiểu ra thế nào là một cái tết đầm ấm đoàn tụ của gia tộc.
1 MÁY ẢNH PANASONIC 14PX và 3 PHẦN QUÀ TRỊ GIÁ 1.000.000 dành cho những bài dự thi xuất sắc nhất ĐẶC BIỆT GIẢI CHO ĐỘC GIẢ 24H: 1 máy ảnh cho bài được độc giả chấm điểm cao nhất 1 giải trị giá 1.000.000 cho độc giả có lời bình hay nhất | |
Việt Báo
|
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn