Tết – một chữ rất ngắn nhưng hàm chứa biết bao kỉ niệm vui buồn đối với tôi và gia đình. Mỗi lần Tết đến tôi lại háo hức, đợi chờ được sống trong cảm giác lễ hội. Tuy vậy cũng cũng vì Tết mà năm nào tôi cũng rơi nước mắt, đã hai mươi năm trời tôi ăn Tết ở đất khách quê người, hai mươi năm trời dài đằng đẵng chưa một lần được đặt bước về nơi chôn rau cắt rốn, về ăn cái Tết của ân tình sâu nặng.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo của đất Thanh Hóa, quê nghèo với ba sào ruộng nên ba mẹ không thể nào nuôi nổi bốn anh em chúng tôi. Cái nghèo đói, sự thiếu ăn thiếu mặc buộc ba mẹ tôi phải dứt ruột vào miền Nam lập nghiệp với hy vọng thoát nghèo, hy vọng đổi đời cho các con của mình.
Năm tôi lên sáu tuổi cả gia đình chuyển vào sống ở Đồng Nai, giờ đây khi viết lên những dòng này tôi đã 26 tuổi, thời gian thấm thoát mà đã 20 năm. Nghĩ lại, tuổi thơ của tôi ở quê nghèo thật ngắn ngủi, đã lùi rất xa về quá khứ, bức tranh kỉ niệm thời thơ ấu giờ đã có những vệt tối sáng của bụi thời gian rồi. Nhớ ngày đó, mỗi lần Tết đến đám trẻ chúng tôi đều cảm thấy mình như đang sống trên thiên đường. Chúng tôi đợi Tết như đợi một phép lạ của đấng siêu nhiên, có lẽ vì chúng tôi thèm lắm những miếng thịt mỡ xắt lát ăn với xôi đồ gấc đỏ, thèm những miếng giò thủ béo ngậy làm từ thịt heo ba rọi và nấm mèo, thèm những chiếc bánh chưng thơm nức mùi gạo nếp, thèm được manh áo mới, thèm được những đồng tiền lì xì để dành mua đồ chơi… Khi người ta nghèo người ta sẽ thiếu thốn, thiệt thòi nhiều thứ nhưng vì thế người ta biết trân trọng, cảm nhận được giá trị thật sự cái cảm giác của giá trị vật chất, của giá trị tinh thần.
Tết quê tôi bắt đầu từ khi cúng tiễn ông Táo về trời, nghĩa là từ 23 âm lịch không khí chộn rộn đã lan khắp xóm, khắp làng. Nhà nhà, người người hớn hở với không khí chuẩn bị: mua đồ cúng Tết, nấu bánh chưng bánh giầy, đồ xôi với gấc đỏ, làm giò thủ, làm thịt nấu đông… Tôi đặc biệt nhớ những lần Tết đến các bác, các chú cùng nhau hùn tiền lại để mua chung một con heo về giết thịt ăn ba ngày Tết. Mỗi lần nghe tiếng heo kêu éc éc là đám trẻ chúng tôi biết ngay ở đó có tiệc, đám trẻ con như tôi thường chạy đến để được “chia phần”. Nói là chia phần chứ thật ra là được nắm xôi nhỏ và dăm miếng thịt xắt lát, ấy thế mà vui lắm, chẳng có thể nói lên bằng lời hết được những cảm xúc thơ dại đó.
Tết đến nội tôi thường gói rất nhiều bánh chưng, còn ngoại thì lại gói nhiều bánh giầy. Hình như nội và ngoại ngầm quy định với nhau thế thì phải, mỗi khi Tết đến tôi lại thấy nội và ngoại mang bánh chưng, bánh giày qua biếu nhau mang về thờ và ăn dần mấy ngày Tết.
Nơi mà tôi vẫn thường chơi lò cò, nhảy dây, chơi ô ăn quan với bạn bè ngày cũ... (Ảnh minh họa)
Tết ở quê tôi lạnh lắm, cái lạnh se da se thịt, mỗi lần Tết đến là áo bông, áo gió lại được dịp sử dụng nhiều. Nhiều khi người ta thể hiện cái sự giàu nghèo bằng việc mặc trên người một cái áo bông đắt tiền, hàng hiệu là khác.
20 năm nay tôi không về lại quê, 20 năm tôi ăn Tết ở đất khách quê người. Cái Tết đúng chất quê gần như đã không còn, người ta thay vào tất cả bằng “cửa hàng và dịch vụ trọn gói”. Tôi ít được thấy ở đây không khí chuẩn bị Tết như ở quê mình, tất cả đều được lo sẵn: bánh chưng bánh giầy gói sẵn, các món ăn dân gian cũng đã được làm sẵn, việc mua quần áo cũng là đồ may sẵn… Cái gì cũng được “công nghiệp hóa” một cách toàn diện, thành ra tôi cũng không còn mong ngóng Tết như ngày còn thơ bé nữa.
Gia đình tôi giờ đây dù đã đủ ăn đủ mặc nhưng mà ba mẹ, anh em chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện về thăm quê. Không phải chúng tôi không nhớ, không yêu mảnh đất sinh ra mình, mà vì cuộc sống còn bao nhiêu thứ phải lo toan, cơm áo gạo tiền làm trĩu nặng bờ vai mất rồi. Hôm nay no bụng thì phải nghĩ đến ngày mai, cái khó nó bó cái khôn, tất cả đều buồn đấy mà vẫn đành bấm bụng ăn Tết xa quê, nỗi nhớ cứ chồng lên nỗi nhớ, rồi tự mỗi người im lặng dằn lòng mình lại, chứ biết làm sao!
Thời gian đến rồi đi, 20 năm nếu đem ra so sánh với đời một con người sẽ là bình thường, song 20 năm sống xa quê là cả một khoảng thời gian dài đằng đẵng. Tết lại về, tôi lại đau đáu nỗi nhớ quê, nỗi mong chờ được một lần về với mảnh đất tôi đã sinh ra để sống tiếp tuổi thơ êm đềm. Viết tới đây sao mắt tôi lại cay xè thế này, có lẽ nó cũng như tôi, nó muốn trở về, muốn được nhìn thấy đất mẹ mến yêu, được đặt chân lên con đường làng với những bụi tre già, được nhìn những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, được thấy đình làng nơi mà tôi vẫn thường chơi lò cò, nhảy dây, chơi ô ăn quan với bạn bè ngày cũ.
Tôi nhắm mắt lại, lặng lẽ để hai giọt nước mắt lăn dài lên má, thế là Tết lại sắp đến nữa rồi! Tết đến tôi lại thêm một tuổi, tôi lặng lẽ bật bài nhạc “Ôi quê tôi” của ca sĩ Tùng Dương thưởng thức một mình. Bất giác tôi như thấy khói lam chiều đang chiếu rực đàng đông, nhìn nó tôi như thấy khói bếp của nhà nội những ngày giáp Tết! Ôi quê tôi, biết đến bao giờ…
Hãy chia sẻ câu chuyện “Tết và những kỉ niệm đáng nhớ” cùng cơ hội nhận quà Bấm đường link : TỔNG GIÁ TRỊ GIẢI THƯỞNG LÊN ĐẾN 15 TRIỆU ĐỒNG | |
Việt Báo
|
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn