Cứ mỗi dịp Tết, nỗi lo thường trực của nhiều gia đình chính là ảnh hưởng của rượu đến sức khoẻ của người thân khi họ quá sa đà vào rượu. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi cùng bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần tỉnh, để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tác hại của rượu đối với sức khoẻ tâm thần.
- Xin bác sĩ cho biết, vì sao rượu lại gây độc hại cho cơ thể, trong đó có ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần?
+ Như chúng ta biết, trong rượu có lượng cồn (ethanol) lớn. Khi uống vào, khoảng 10% số lượng rượu đào thải ra ngoài bằng đường hô hấp, còn phần lớn được khử ở gan và đào thải qua nước tiểu. Tại gan, ethanol trong quá trình chuyển hoá tạo ra chất acetaldehyde – một chất độc, có khả năng gây ung thư cho con người.
Với những người lạm dụng rượu bia, lượng acetaldehyde được sản sinh quá nhiều, gan sẽ không chuyển hóa hết, gây độc cho gan, viêm gan, xơ gan. Rượu có khả năng làm cho cơ thể mất nước (do nó ức chế sự hình thành vasopressin – một hormone chống bài niệu), biểu hiện bằng đau đầu, khô miệng và đưa con người vào trạng thái mệt mỏi, choáng váng, hôn mê, ngủ lịm sau khi say... Rượu còn gây ra nhiều bệnh lý cơ thể khác.
Cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi ethanol và andehyt có trong rượu tích lại trong máu. Cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa. Lạm dụng rượu mạn tính dẫn đến teo não do mất cả chất xám và chất trắng. Thùy trán đặc biệt nhạy cảm đối với sự phá hủy do rượu. Rượu còn gây giảm chuyển hóa ở não.
![]() |
Bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần tỉnh, dặn dò, động viên bệnh nhân nghiện rượu trước khi ra viện vào tháng 2/2017. Ảnh Hoàng Quý |
- Vậy rượu gây rối loạn tâm thần như thế nào, thưa bác sĩ?
+ Khi đột ngột uống quá nhiều rượu, cơ thể rơi vào tình trạng say rượu, gồm say rượu thông thường (say rượu đơn thuần) và say rượu bệnh lý. Say rượu đơn thuần là trạng thái nhiễm độc rượu cấp tính thể hiện bởi sự thay đổi về khí sắc (khoái cảm, dễ bị kích thích hoặc buồn bã), giảm phối hợp động tác dẫn đến nói liên tục không ngừng, lú lẫn và mất điều hòa động tác (đi loạng choạng, giọng nói lè nhè) và nặng hơn nữa là hôn mê, giãn đồng tử, mất phản ứng, hạ thân nhiệt, giảm huyết áp, suy hô hấp, co giật...
Còn say rượu bệnh lý thể hiện bởi những rối loạn nặng như hưng phấn vận động với những cơn giận dữ quá khích và bạo lực; có các hoang tưởng với ảo giác (hay gặp nhất là hoang tưởng ghen tuông và hoang tưởng bị truy hại), dẫn tới nguy cơ xuất hiện cơn xung động đập phá, xâm hại bản thân hay xâm hại người khác. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những người có bệnh lý tâm thần hoặc tổn thương não mà có sử dụng rượu.
Chứng nghiện rượu là trạng thái nhiễm độc rượu mạn tính do dùng rượu thường xuyên và nhiều năm. Việc uống rượu trong thời gian dài khi kết hợp với các yêu tố như suy dinh dưỡng, thiếu vitamin B... còn gây bệnh viêm đa rễ thần kinh, teo não, hội chứng Korsakoff (hội chứng quên ngược chiều, không có khả năng ghi nhận thông tin mới, mất định hướng trong không gian và thời gian, bịa chuyện, nhận biết sai, mất nhận biết đồ vật...).
- Với trường hợp nào cần phải điều trị các rối loạn tâm thần do rượu?
+ Với những người nghiện rượu có các biểu hiện như nói nhiều, chửi bới, đánh đập người thân, hoang tưởng ghen tuông, bịa chuyện, rối loạn định hướng, lú lẫn, ngủ nhiều, sa sút do rượu, rối loạn trí nhớ và các triệu chứng mất ngôn ngữ, mất động tác..., cần đưa bệnh nhân đi kiểm tra sức khoẻ tâm thần để có biện pháp hỗ trợ điều trị kịp thời.
Với những trường hợp nghiện rượu nặng, khi ngưng đột ngột có thể dẫn đến trạng thái cai rượu và nặng hơn là sảng rượu, biểu hiện bằng mất định hướng không gian và thời gian; ảo giác (thường là ảo thị nhìn thấy con vật lạ, ma quỷ hoặc ảo thanh đe dọa…), hoang tưởng bị hại; rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, đảo ngược nhịp ngày đêm); kích thích, hành vi nguy hại, kèm theo những dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật như run (tay, chân, miệng lưỡi), nói khó, rối loạn thăng bằng và phối hợp động tác, rối loạn thân nhiệt, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, mồ hôi nhiều, có dấu hiệu mất nước dẫn đến truỵ tim mạch, cơn co giật...
Do đó, gia đình không nên tự điều trị cho bệnh nhân tại nhà mà cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời để chẩn đoán, theo dõi và điều trị tích cực. Sảng rượu là một cấp cứu tâm thần, nếu không được điều trị thích hợp thì có thể dẫn tới tử vong.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
Tác giả: Thu Nguyệt - Báo Quảng Ninh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn