Ngày 10 tháng 10 năm 2017 đánh dấu kỷ niệm ngày Sức khoẻ Tâm thần Thế giới lần thứ 25. Liên đoàn Sức khoẻ Tâm thần Thế giới đã chọn ngày này vào năm 1992 để nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần và kể từ đó mọi người trên khắp thế giới đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động về lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
Chủ đề năm nay, “Sức khoẻ Tâm thần trong nơi làm việc”, giải quyết các giá trị của thúc đẩy sự thịnh vượng trong môi trường làm việc trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp đến công nghiệp, tài chính, chính phủ, công nghệ và hơn thế nữa. Sức khỏe Tâm thần - như một khía cạnh quan trọng của sức khoẻ tổng thể thường bị bỏ rơi, thế nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng trầm cảm đứng đầu danh sách các nguyên nhân gây ra bệnh tật và tàn tật trên toàn thế giới. Những người mắc trầm cảm hay các rối loạn khác không thể làm việc hoặc năng suất lao động có thể bị giảm sút. Những bệnh lý tâm thần này có thể được điều trị, nhưng tiếp cận với điều trị thường rất khó, và sự kỳ thị có thể ngăn người ta tìm kiếm các dịch vụ y tế ngay cả khi chúng có sẵn. Một nơi làm việc lành mạnh mang lại lợi ích cho người lao động và người sử dụng lao động.
Trầm cảm và rối loạn lo âu là những rối loạn tâm thần thông thường có ảnh hưởng đến khả năng làm việc của chúng ta. Có hơn 300 triệu người bị trầm cảm (khoảng 4,4% dân số thế giới) và 800.000 người tự tử mỗi năm. Hơn 260 triệu người đang sống với chứng rối loạn lo âu. Nhiều người trong số những người này sống với cả hai. Các vấn đề về sức khoẻ tâm thần đã làm tăng sự vắng mặt của nhân viên, giảm năng suất lao động và tăng chi phí. Một nghiên cứu gần đây của WHO ước tính rằng trầm cảm và rối loạn lo âu ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu là 1 nghìn tỷ USD mỗi năm do mất năng suất lao động.
Trong suốt cuộc đời trưởng thành của chúng ta, một tỷ lệ lớn thời gian của chúng ta được dành cho công việc. Kinh nghiệm của mọi người tại nơi làm việc là một trong những yếu tố quyết định phúc lợi tổng thể của chúng ta. Người sử dụng lao động và người quản lý đã đưa ra các sáng kiến ở nơi làm việc để thúc đẩy sức khoẻ tâm thần và để hỗ trợ các nhân viên bị rối loạn tâm thần thấy lợi ích không chỉ trong sức khoẻ của nhân viên mà còn tăng năng suất của họ trong công việc. Mặt khác, môi trường làm việc tiêu cực, những áp lực căng thẳng có thể dẫn đến các vấn đề sức khoẻ thể chất và tâm thần, sử dụng các chất có hại hoặc rượu bia, ma túy dẫn tới giảm và mất năng suất lao động, gây ra tai nạn lao động. Ước tính cho thấy có tới 80% số người bị bệnh tâm thần nặng đang thất nghiệp trong khi 70% muốn làm việc.
Cần phải có cam kết từ các cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tạo việc làm có ý nghĩa cho những người gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần, cam kết xây dựng nhận thức và giảm kỳ thị về sức khỏe tâm thần. Đồng thời phải cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo các phúc lợi cho người lao động và chủ động giúp đỡ những người mắc bệnh tâm thần.
Tác giả: Bùi Hồng Tâm - Giám đốc Bệnh viện BVSK Tâm thần
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn