Theo báo cáo về lạm dụng ma túy năm 2017 của tổ chức phòng chống tội phạm và ma túy Thế giới (World Drug Report 2017 - UNODC): 29,5 triệu người trên toàn thế giới bị rối loạn do sử dụng ma túy, opioid có hại nhất.
Ước tính có khoảng một phần tư tỷ người (chiếm 5% dân số trưởng thành từ 15 - 64 tuổi trên thế giới) đã sử dụng ma túy ít nhất một lần vào năm 2015. Trong số này, khoảng 29,5 triệu người (chiếm 0,6% dân số trưởng thành) bị rối loạn do sử dụng ma túy, kể cả sự lệ thuộc. Trong khi đó chỉ khoảng một phần sáu số người sử dụng ma túy được tiếp cận với dịch vụ y tế để điều trị.
Opioids là loại thuốc có hại nhất và chiếm 70% tác động tiêu cực đến sức khoẻ liên quan đến rối loạn sử dụng ma túy trên toàn thế giới, theo báo cáo mới nhất của UNODC. Tuy nhiên, cần sa vẫn là loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất thế giới, với tỷ lệ hàng năm là 3,8% dân số trưởng thành, hay khoảng 183 triệu người có sử dụng cần sa trong năm qua. Việc sử dụng cần sa đã tăng lên ở các vùng của Bắc và Nam Mỹ, trong khi việc sử dụng cần sa giảm hoặc ổn định ở các khu vực của châu Âu.
Các chất dạng amphetamine vẫn là loại thuốc được sử dụng phổ biến thứ hai trên toàn thế giới, với khoảng 35 triệu người sử dụng trong năm và sử dụng chất kích thích, đặc biệt Methamphetamine, được cho là đang gia tăng ở nhiều tiểu vùng, bao gồm Bắc Mỹ, Châu Đại Dương và hầu hết các khu vực của Châu Á. Rối loạn liên quan đến việc sử dụng chất kích thích cũng chiếm một phần đáng kể trong gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Và mặc dù thị trường đối với các chất hoạt tính thần kinh mới (NPS) vẫn còn tương đối nhỏ, người dùng không ý thức về thành phần và liều lượng các chất thần kinh trong một số NPS. Điều này có thể làm cho người sử dụng gặp nguy cơ sức khoẻ nghiêm trọng.
Báo cáo cho thấy viêm gan C gây ra thiệt hại lớn nhất trong số 12 triệu người tiêm chích ma túy trên toàn thế giới. Trong số này, một trong tám người (khoảng 1,6 triệu người) đang sống với HIV và hơn một nửa (6,1 triệu) đang sống với bệnh viêm gan C, trong số đó có khoảng 1,3 triệu người đang bị cả viêm gan C và HIV. Số người sử dụng ma túy chết vì viêm gan C (222.000) nhiều hơn 3 lần so với HIV (60.000). Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng mặc dù những tiến bộ gần đây trong điều trị viêm gan C, việc tiếp cận vẫn còn hạn chế, vì điều trị vẫn rất đắt ở hầu hết các quốc gia.
Những người sử dụng ma túy đặc biệt dễ bị bệnh lao. Dựa vào số liệu có sẵn từ các nghiên cứu ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh lao trong nhóm tiêm chính ma túy ước tính xấp xỉ 8%, so với tỷ lệ dưới 0,2% trong dân số nói chung. Những người sử dụng ma túy có thể có nhu cầu đặc biệt về các biện pháp can thiệp nhằm ngăn ngừa và điều trị bệnh lao. Họ có thể bị ảnh hưởng bất lợi bởi các yếu tố nguy cơ của bệnh. Nhiễm HIV là một trong các lý do chính cho sự mắc bệnh lao cao trong số những người tiêm chích và lao phổi là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trong số những người sử dụng ma túy và đang sống với HIV. Điều trị bệnh lao đặc biệt phức tạp đối với những người sử dụng ma túy vì họ có thể mắc các bệnh truyền nhiễm đồng thời, các bệnh lý về tâm thần và các bệnh cơ thể khác. Hơn nữa, nhiều rào cản, khó khăn để vượt qua để phòng ngừa và điều trị bệnh lao cho những người sử dụng ma túy hơn cho dân số nói chung.
Tỷ lệ gánh nặng bệnh tật do rối loạn sử dụng ma túy ở phụ nữ cao hơn so với nam giới. Khi phụ nữ đã bắt đầu sử dụng chất gây nghiện, đặc biệt là sử dụng rượu, cần sa, thuốc phiện và cocaine, chúng có xu hướng tăng tốc độ tiêu thụ nhanh hơn nam giới. Trong thập kỷ qua, tác động tiêu cực đến sức khoẻ của việc sử dụng ma túy đã tăng nhanh hơn ở phụ nữ so với nam giới. Tỉ lệ gia tăng số ngày bị bệnh tật do rối loạn sử dụng ma tuý vào năm 2015, đặc biệt là rối loạn do sử dụng thuốc phiện và cocaine, là 25% và 40% ở nữ giới so với 17% và 26% ở nam giới.
Năm nay, đánh dấu 20 năm của Báo cáo Ma túy Thế giới, diễn ra vào thời điểm khi cộng đồng quốc tế quyết định tiến lên phía trước cùng với hành động chung. Giám đốc Điều hành của UNODC, Yury Fedotov nhấn mạnh: "Có rất nhiều công việc phải làm để đối phó với nhiều tác hại do ma túy gây ra đối với sức khoẻ, phát triển, hòa bình và an ninh ở tất cả các khu vực trên thế giới”.
Tại Việt Nam, hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma tuý”, “Ngày Quốc tế phòng, chống ma tuý” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý” (26/6), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý từ ngày 1-30/6/2017 với chủ đề “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy".
Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh trong những năm gần đây thường xuyên tiếp nhận các trường hợp có rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy, đặc biệt là cần sa và các chất dạng Amphetamine, Ketamin. Trong 6 tháng đầu năm 2017, có khoảng 165 bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện có các biểu hiện rối loạn tâm thần, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2016. Đa số những trường hợp này là nam giới, trẻ tuổi. Việc sử dụng ma túy không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, ảnh hưởng đến nòi giống (vô sinh, thai lưu, đẻ non, suy dinh dưỡng, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển về thể chất và tâm thần,…) và nhiều bất ổn trong xã hội.
Tác giả: Ths Vũ Minh Hạnh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn