Đột quỵ vì nắng nóng
Trường hợp bệnh nhân Lê Thị H. 72 tuổi ngụ Thanh Nhàn, Hoàng Mai, Hà Nội do thời tiết nắng nóng, huyết áp tăng đột ngột nên bị đột quỵ não. Dù được cấp cứu kịp thời nhưng đến giờ bà H vẫn bị di chứng của bệnh như nói ngọng, nằm bất động. Theo lời mách bảo của một người bạn ở Hưng Yên có ông thầy lang chữa được các bệnh thần kinh, xương khớp, bại liệt, anh H không hề do dự đưa mẹ đến khám và được “thầy” cho thuốc về bôi. Kết quả khỏi đâu chả thấy bà H phải nhập viện gấp để chữa tiếp bệnh viêm da nặng.
Thời tiết nắng nóng, bệnh nhân có tiền sử huyết áp, tim mạch, người cao tuổi rất dễ bị đột quỵ. Bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Quốc gia cho biết: “Tổng số bệnh nhân cấp cứu vào thời điểm này trong đó bệnh nhân bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) chiếm đến 60%-70%, tập trung chủ yếu ở những người già, có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường, động mạch vành, mỡ máu cao”.
Bệnh nhân bị đột quỵ đang điều trị tại bệnh viện. (Ảnh minh họa)
BS Dương Đình Phúc, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện 354 cho biết bệnh nhân đột quỵ đang nằm tại khoa trong thời điểm này khoảng 20 bệnh nhân. Những hôm thời tiết nắng nóng số ca nhập viện tăng khoảng 5-7 bệnh nhân.
Cách phòng tránh đột quỵ não
Đột quỵ não có tỷ lệ tử vong cao thứ 3 sau bệnh tim mạch và bệnh ung thư. Đột quỵ não để lại di chứng nặng nề. Theo BS Phúc đột quỵ não có dấu hiệu sớm như đau đầu, chóng mặt, co giật, rối loạn tâm thần. Đột quỵ não xảy ra do tình trạng não bị tổn thương kéo dài trên 24h, lưu lượng máu tới não tắc mạch (nhồi máu não) hoặc vỡ mạch (xuất huyết não), dẫn tới giảm hay mất chức năng hoặc chết tế bào não, gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, hôn mê, rối loạn trí nhớ… và có thể tử vong.
“Yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ não thường xảy ra ở những bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, bệnh nhân thường xuyên tăng axituric máu, tăng homocystein máu, béo phì, nghiện thuốc, nghiện rượu. Ngoài ra những người thường xuyên căng thẳng, chịu nhiều áp lực công việc, gia đình và mất ngủ kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não”. BS Phúc nói.
Theo BS Phúc, căng thẳng, mất ngủ kéo dài cũng dễ dẫn đến đột quỵ. Ảnh. Thu Trịnh
BS Phúc đưa ra lời khuyên: “Việc đầu tiên cần làm để phòng tránh đột quỵ não là loại bỏ các yếu tố nguy cơ trước khi hậu quả xảy ra. Nếu bị đột quỵ, người bệnh cần được sơ cứu bằng cách đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên, nếu bệnh nhân nôn ói cần phải lấy hết đờm dãi giúp bệnh nhân dễ thở. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Không tự ý sử dụng thuốc hạ huyết áp hoặc bất kỳ thuốc nào. Không chờ bệnh nhân tự hồi phục, không cạo gió, cúng bái…”.
Sau khi được cấp cứu ở bệnh viện, người bệnh cần phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sỹ điều trị. Nên kết hợp tập luyện với các bài tập vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng, hoặc phương pháp châm cứu để quá trình phục hồi bệnh được nhanh hơn.
Song song với việc điều trị để phục hồi di chứng, bệnh nhân từng bị đột quỵ cần hết sức lưu tâm đến vấn đề phòng ngừa tái phát bởi có đến 40% bệnh nhân đột quỵ sẽ bị tai biến lần thứ 2, và nguy cơ tử vong sẽ tăng lên đáng kể.
Bệnh nhân bị đột quỵ không nên quá kỳ vọng vào một loại thuốc. Không nên sử dụng thuốc theo lời đồn thổi hoặc thuốc không có nguồn gốc rõ ràng. Tuyệt đối không chữa bệnh bằng biện pháp cúng bái, mê tín mà quên đi cấp cứu và điều trị cần thiết. (BS Dương Đình Phúc, Chủ nhiệm Khoa Nội Tâm Thần kinh, BV 354) |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn