- Nếu như đầu tháng 3 trên cả nước mới ghi nhận 3 trường hợp mắc cúm H1N1 đại dịch tử vong thì nay con số này đã tăng lên 7. Những trường hợp này chủ yếu có tiền sử mắc bệnh mãn tính như: tiểu đường, huyết áp cao, phổi tắc nghẽn mãn tính... So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân mắc cúm H1N1 có chiều hướng tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, theo kết quả giám sát cúm trọng điểm Quốc gia, nước ta ghi nhận sự xuất hiện của 3 phân tuýp virus cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm B. Riêng từ cuối tháng 2, trong số những mẫu bệnh phẩm dương tính với virus cúm thì gần 80% là cúm A/H1N1. 30 tỉnh, thành đã ghi nhận các ca bệnh, đa số đều ở thể nhẹ. Có 7 trường hợp tử vong tại 6 tỉnh, thành. Cũng từ tháng 2 năm nay đến nay, cơ quan y tế đã ghi nhận một số ổ dịch cúm A/H1N1 ở trường học, khu dân cư: Tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên; thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Các ổ dịch đã được xử lý kịp thời, không có trường hợp tử vong. Theo các chuyên gia nhận định, dịch cúm H1N1 (chủng đại dịch trước đây) ở nước ta lưu hành ở mức độ hạn chế trong cộng đồng. Hiện chưa phát hiện sự biến đổi gene của virus. Bộ Y tế khuyến cáo, trong mùa Xuân, điều kiện thời tiết lạnh, ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, lây lan, đặc biệt tại trường học, cơ quan… Vì thế, để chủ động phòng bệnh, người có biểu hiện cúm như: ho, hắt hơi, sổ mũi nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị. Người dân cũng nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, người già, trẻ em khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong./. (tổng hợp)
|
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn