Viêm phổi, bệnh hay gặp trong mùa xuân

Thứ ba - 15/03/2011 14:22

Nguyên nhân phổ biến của viêm phổi cộng đồng là do vi khuẩn, virut. Các vi khuẩn phổ biến gồm phế cầu khuẩn, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, trực khuẩn gram âm (trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn đường ruột), các vi khuẩn không điển hình (Chlamydophila pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae). Các virut hay gặp như virut cúm, á cúm, virut hợp bào hô hấp. Hiện nay nhiễm một số virut cúm (H5N1, H1N1) có thể gây nên viêm phổi nặng.
Viem phoi benh hay gap trong mua xuan
 Hình ảnh viêm phổi trên phim Xquang.

Những ai dễ mắc viêm phổi?

Tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong của viêm phổi cộng đồng cao: Tại Hoa Kỳ ước tính có khoảng 4 triệu trường hợp viêm phổi cộng đồng/năm, 1 triệu bệnh nhân phải nhập viện và 45.000 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong của viêm phổi cộng đồng ở bệnh nhân nhập viện là 14%, nhưng tăng tới 20 - 50% ở những bệnh nhân điều trị ở Khoa hồi sức tích cực. Là bệnh có tỷ lệ tử vong đứng thứ hai trong các bệnh nhiễm khuẩn phải nhập viện. Tại Việt Nam, viêm phổi cộng đồng chiếm khoảng 14% các bệnh nhân bệnh phổi nhập viện.

Viêm phổi cộng đồng thường xảy ra ở những người có các yếu tố nguy cơ. Trẻ em và người cao tuổi thường gặp với tỷ lệ viêm phổi cao hơn các lứa tuổi khác. Tại châu Âu, tỷ lệ viêm phổi hằng năm ở người cao tuổi từ 18/1000-44/1000 dân, cao hơn so với các lứa tuổi khác (18/1000-44/1000 dân so với 4,7/1000-11,6/1000 dân). Thói quen cá nhân (nghiện rượu, hút thuốc lá...) là những yếu tố nguy cơ gây viêm phổi: nghiện rượu gây suy giảm miễn dịch, tăng phản xạ nôn kết hợp với rối loạn ý thức, do đó làm tăng nguy cơ viêm phổi hít.

Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất cho viêm phổi: khói thuốc lá làm thay đổi quá trình vận chuyển chất nhầy của vi nhung mao, làm suy giảm sức đề kháng tại chỗ của đường thở nên mầm bệnh dễ xâm nhập vào phổi. Những người mắc các bệnh phối hợp, những người mắc các bệnh phổi-phế quản mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ phổi kén, giãn phế quản... rất dễ bị viêm phổi. Bệnh nhân suy tim, thận mạn tính, bệnh gan, ung thư, tiểu đường, mất trí nhớ, bệnh mạch máu não và suy giảm tình trạng miễn dịch (ví dụ bệnh giảm bạch cầu, bệnh thiếu hụt globulin miễn dịch, nhiễm HIV/AIDS), suy dinh dưỡng cũng là những đối tượng dễ mắc. Yếu tố địa lý và nghề nghiệp (mùa lạnh, người làm nghề nuôi gia súc...) cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc viêm.

Dấu hiệu nhận biết

Sốt, ho, khạc đờm, khó thở, đau ngực, khám phổi có ran nổ... và chụp Xquang ngực thấy hình ảnh phổ biến là các nốt, đám mờ khu trú ở một vùng hay lan tỏa hai phổi. Chẩn đoán viêm phổi nhiều khi gặp khó khăn và dễ nhầm với một số bệnh như nhồi máu phổi, ung thư phổi, suy tim ứ huyết...Khi  đến khám bệnh, các bệnh nhân viêm phổi thường phải làm các xét nghiệm như: chụp Xquang phổi, xét nghiệm công thức máu, một số chỉ tiêu sinh hóa máu, xét nghiệm đờm (soi, cấy đờm), điện tim...

Một trong những vấn đề chẩn đoán quan trọng trên lâm sàng ở bệnh nhân viêm phổi là xác định các nguyên nhân gây viêm phổi. Để xác định nguyên nhân gây viêm phổi cần phải làm các xét nghiệm như soi, cấy đờm hay xét nghiệm gen (Polymerase chain reaction-PCR) tìm vi khuẩn, virut. Tuy nhiên trên thực tế lâm sàng không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân viêm phổi, đặc biệt ở ngay thời điểm bệnh nhân đến khám hoặc nhập viện. Để định hướng nguyên nhân gây viêm phổi trên lâm sàng các bác sĩ thường xác định bệnh nhân thuộc loại viêm phổi “điển hình” hay viêm phổi “không điển hình” và đưa ra lựa chọn điều trị thích hợp.

Điều trị như thế nào?

Nguyên tắc chính điều trị viêm phổi cấp là điều trị nguyên nhân, điều trị các triệu chứng (hạ sốt, long đờm, giảm đau...) và các biến chứng nếu có (trụy tim mạch, suy hô hấp, tràn dịch, tràn khí màng phổi). Kháng sinh thường được sử dụng nếu nguyên nhân của viêm phổi là vi khuẩn. Việc lựa chọn kháng sinh ban đầu trong viêm phổi dựa vào định hướng căn nguyên vi khuẩn trên lâm sàng (còn gọi là điều trị kháng sinh ban đầu theo “kinh nghiệm”) và theo dõi đáp ứng lâm sàng, Xquang theo điều trị để thay đổi kháng sinh thích hợp. Một vấn đề quan trọng đối với bệnh nhân viêm phổi là sự đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh để đưa ra tiên lượng bệnh và quyết định bệnh nhân điều trị ngoại trú, nội trú hay ở khoa hồi sức tích cực.

Viem phoi benh hay gap trong mua xuan
 Chlamydophila pneumoniae - vi khuẩn gây viêm phổi.

Làm gì để phòng tránh viêm phổi?

Những người nghiện thuốc lá cần ngừng hút, hoặc cai thuốc. Tiêm vaccin là một trong những biện pháp dự phòng viêm phổi có hiệu quả nhất. Tiêm vaccin phòng cúm được khuyến cáo cho những người từ 50 tuổi; những người có các bệnh mạn tính như tiểu đường, suy thận, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...; nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân có nguy cơ viêm phổi. Tiêm vaccin phòng phế cầu 5 năm một lần ở người tuổi trên 65 và ở những người trẻ hơn mắc bệnh mạn tính.

Dự phòng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (đeo khẩu trang, súc họng bằng các nước sát khuẩn họng, miệng) và điều trị sớm, tích cực khi nhiễm khuẩn đường hô hấp trên xuất hiện. Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ các chất đạm, vitamin, chất khoáng. Có chế độ lao động, nghỉ ngơi, rèn luyện thể dục hợp lý, tránh lạnh đột ngột (không tắm lạnh, ăn đồ ăn, uống nước quá lạnh...). Khi có các triệu chứng gợi ý viêm phổi cấp người bệnh cần phải đến các phòng khám hoặc bệnh viện gần nhất để được khám xét, chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

>>>

>>>

>>>

(Theo SK&ĐS)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sức khỏe tâm thần
Cchaats lượng cuộc sống
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây