Tăng cường đầu tư chuyên khoa điều trị rối loạn tâm thần cho trẻ em

Thứ tư - 22/11/2017 09:14

Tại Quảng Ninh, số lượng trẻ em và vị thành niên mắc các rối loạn tâm thần đang có xu hướng tăng, trong khi việc khám, điều trị còn gặp nhiều khó khăn.

Gần 2 tuần nay, ngày nào chị K.T.T.T, khu 4, phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả, cũng ở cạnh để chăm sóc cho cậu con trai thứ hai (5 tuổi) bị hội chứng tự kỷ tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Suốt 3 năm nay, chị đưa con đi điều trị khắp nơi, cứ nghe nói chỗ nào chữa tốt là đến, với hy vọng con sẽ sớm được khỏi bệnh, bình thường như chúng bạn cùng trang lứa. Chị kể: “Khi phát hiện bệnh, cháu được 25 tháng. Gia đình thấy cháu ít nói, chỉ nghĩ là chậm phát triển so với các bạn bình thường khác. Nhưng sau đó, cháu lại nói nhiều, không tập trung, không ghi nhớ, thỉnh thoảng gọi không thưa. Lúc ấy, gia đình cho cháu đi khám, mới phát hiện bị bệnh”. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ bị rối loạn tâm thần trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ tại Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh hướng dẫn bệnh nhi tham gia các trò chơi vận động.
Bác sĩ tại Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh hướng dẫn bệnh nhi tham gia các trò chơi vận động.

Theo bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, hiện nay, số lượng bệnh nhân bị rối loạn tâm thần có xu hướng tăng, ở mỗi lứa tuổi lại có những rối loạn đặc trưng khác nhau. Rối loạn hay gặp ở trẻ từ 1-5 tuổi là chậm phát triển tâm thần, rối loạn phát triển lan tỏa, rối loạn về phát triển lời nói và ngôn ngữ, tiểu tiện. Trẻ từ 6-9 tuổi hay gặp rối loạn về phát triển các kỹ năng ở nhà trường, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn lo âu, các rối loạn dạng cơ thể, rối loạn thần kinh. Lứa tuổi vị thành niên từ 10-19 tuổi hay gặp các vấn đề liên quan đến tính dục; rối loạn hành vi, nghiện game - mạng xã hội; lạm dụng và nghiện chất gây nghiện; rối loạn cảm xúc và tâm thần phân liệt.

Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh trò chuyện cùng gia đình bệnh nhân bị rối loạn tâm thần.
Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, trò chuyện cùng gia đình bệnh nhân bị rối loạn tâm thần.

Tuy đến nay chưa rõ nguyên nhân của các loại bệnh này, nhưng bước đầu xác định là do rối loạn về gen, bên cạnh đó, yếu tố về môi trường sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, tập trung nhiều vào công nghệ, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình... khiến bệnh càng phát triển. Điều đáng nói, tình trạng bệnh ở các lứa tuổi đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua. Cụ thể, năm 2015,  khi Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng thuộc Khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh mới thành lập, số lượng bệnh nhân ban đầu chỉ có 9 bé (5/9 liên quan đến tâm bệnh), nhưng đến năm 2017 đã tăng lên 26 bé; đợt cao điểm lên đến 40 bé. Còn tại Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, năm 2012, Bệnh viện tiếp nhận và khám cho 386 bệnh nhân, trong đó 2% là trẻ em thì năm 2017, số lượng bệnh nhân rối loạn tâm thần đã lên tới 1.059 người, trong đó có đến 10% là trẻ em.

Mặc dù số trẻ em bị rối loạn tâm thần có chiều hướng gia tăng, nhưng hiện nay, việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ vẫn còn khiêm tốn. Bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Phó Khoa Nội nhi, phụ trách Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, cho biết: “Việc điều trị rối loạn tâm thần phải kết hợp nhiều phương pháp, trong đó có phương pháp châm cứu và kích thích phát âm, cần có thêm các khu sinh hoạt ngoài trời, mở rộng phòng dạy phục hồi chức năng cá nhân cho bệnh nhân, có thêm tài liệu dạy và chăm sóc trẻ tự kỷ cho phụ huynh... Mặc dù cơ sở hạ tầng phòng bệnh đã được lãnh đạo bệnh viện quan tâm, nhưng với số lượng trẻ mắc các bệnh rối loạn tâm thần gia tăng trong thời gian qua thì máy móc, trang thiết bị chữa bệnh chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Hiện cả Khoa chỉ có 1 máy kích thích phát âm, phục vụ liên tục cho gần 30 bệnh nhân".

Điều trị bằng máy kích thích phát âm cho trẻ tự kỷ tại Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.
Điều trị bằng máy kích thích phát âm cho trẻ tự kỷ tại Đơn nguyên Tâm bệnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh.

Còn theo bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh về sức khỏe tâm thần. Ngay tại các trung tâm y tế tuyến huyện cũng chưa có phòng khám sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân. Nguồn nhân lực y tế chưa đáp ứng cho công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trẻ em. Mặt khác, người dân còn chưa có kiến thức về lĩnh vực sức khỏe tâm thần, thậm chí nhiều phụ huynh còn có tâm lý ngại ngần, muốn giấu tình trạng bệnh của con, dẫn đến việc chậm đưa con đi khám bệnh, gây khó khăn trong điều trị.

Trước thực trạng ngày càng nhiều bệnh nhân rối loạn tâm thần, trong đó có trẻ em, việc phát triển, đầu tư nhiều hơn chuyên khoa điều trị rối loạn tâm thần ở cả tuyến huyện nhằm giúp người dân được tiếp cận, tư vấn, điều trị kịp thời là điều cần thiết.

Hoàng Quỳnh

Tác giả: Báo Quảng Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Sức khỏe tâm thần
Cchaats lượng cuộc sống
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây