Nghén là triệu trứng thường gặp ở phụ nữ trong giai đoạn đầu mang thai. Tuy nhiên, ở một số người có triệu chứng nghén thái quá hoặc khi nghén lại thèm ăn những thứ dơ dáy, kỳ lạ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thai kỳ. Trong suốt 22 năm khám, chữa bệnh trong ngành sản phụ khoa, Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Khám Thai, Trưởng phòng Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM chứng kiến khá nhiều trường hợp thai phụ ốm nghén một cách khác thường. Triệu chứng nghén thèm ăn đồ dơ Bác sĩ Hà từng điều trị cho một phụ nữ tên là Lê H. T., 32 tuổi, ngụ tại quận 8. Lúc T. được chồng đưa đến khám cô đã vô cùng bất an và sợ hãi cho biết từ tuần mang thai thứ 7 tự nhiên mình thèm ăn.... gạch xây tường. Thèm quá, cô giấu gia đình đi ra các công trình xây dựng lượm gạch về ăn. Một lần cô bị chồng bắt gặp bèn khuyên giải và đưa đi khám. Sau khi được bác sĩ Hà tư vấn kỹ và điều trị nâng đỡ về tinh thần T. mới bỏ ý thích ăn uống khác thường này.
Trường hợp của sản phụ Nguyễn K. H., 28 tuổi, mang thai lần đầu, ngụ tại quận 5 còn trầm trọng hơn. Từ khi thai được 7 tuần tuổi là chị H. thấy thèm ăn... mỡ lợn sống. Mỗi lần đi chợ về chị đều mua một miếng mỡ lợn tươi, rửa sạch, để nguyên miếng rồi…ăn luôn. Khi được bác sĩ hỏi có biết ăn như vậy là không đảm bảo vệ sinh không thì chị H. trả lời – “Dạ em biết chứ nhưng thèm quá nhịn không nổi bác sĩ ạ!”. Bác sĩ Hà cho biết, những trường hợp thích ăn gạch, ngói, vôi vữa, đất sét…như trên được gọi là chứng nghén ăn dơ. Nguyên nhân của việc thích ăn như vậy có thể do cơ thể bị thiếu chất sắt và canxi. Nếu người nào khi nghén thiếu vitamin nhóm B có thể sẽ có cảm giác thèm ăn socola. Tuy nhiên cũng có một vài nghiên cứu cho thấy không có sự liên quan giữa cảm giác thèm ăn với chất mà cơ thể họ cần. Khi nghén chỉ thèm đi chơi Ngoài triệu chứng thèm ăn dơ, nhiều người khi ốm nghén cũng có những cảm giác và đòi hỏi rất…lạ. Chẳng hạn như chị Lưu Thị N., 37 tuổi, ngụ tại quận 3 cho biết bình thường mình sống rất khép kín, ít giao tiếp. Tuy nhiên, khi nghén đứa con thứ 2 chị tự dưng chỉ thích…đi chơi. “Lúc đó mình chỉ muốn đi chơi, không thích ở nhà. Mình bắt ông xã đưa đi hết nhà người nọ đến nhà người kia để được trò chuyện. Khi thai được 4 tháng tự dưng cảm giác đó hết đi và mình trở lại bình thường” – chị N. tâm sự. Bác sĩ Thu Hà nhớ như in trường hợp của chị Nguyễn Thị X, 25 tuổi, thai 8 tuần. Thai phụ đến khám với tổng trạng gầy ốm, sụt 3 kg (từ 45 Kg còn 42 kg) trong 8 tuần đầu. người xanh xao, mệt mỏi. Chị cho biết, mình suốt ngày nôn ói, không ăn uống được bất cứ món gì, bên người lúc nào cũng có 1 bịch nilong. Chị X. phải nhập viện 3 lần vì mệt lả, khó thở và rối loạn điện giải. Chị X. bị thai hành nghén kéo dài cho tới ngày sinh. Cho đến lúc sinh cân nặng của chị chỉ tăng 2 kg so với ban đầu (thông thường phải tăng từ 10 đến 12 kg), sinh con nặng 2.400 g. Theo bác sĩ Thu Hà, những phụ nữ nghén bất thường như trên không phải bây giờ mà từ xa xưa đã có. Nghén xuất hiện trong 60 – 70% thai phụ, thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ, bước qua tháng thứ 4 nghén sẽ giảm dần và cơ thể trở về bình thường. Có nhiều sự thay đổi bên trong cơ thể khi mang thai gây ra những thay đổi về sở thích này. Nghén bình thường được giải thích do thay đổi nội tiết trong thai kỳ. Sự gia tăng estrogen gây cảm giác buôn nôn hay nôn ói, giống như một số người dùng thuốc ngừa thai có chứa estrogen cũng có cảm giác này. Tăng nồng độ hCG (human chorionic gonadotropin), đa thai nghén nhiều và nặng hơn so với đơn thai do nồng độ hCG nhiều hơn. Tăng nồng độ progesterone gây giãn cơ tử cung giúp thai ổn định, progesterone cũng gây giãn cơ dạ dày và ứ dịch dạ dày nhiều gây tăng acid bên trong dạ dày dễ bị nôn và trào ngược dạ dàythực quản. Triệu chứng ốm nghén trong thai kỳ thường gặp nhất là buồn nôn và nôn, có thể chỉ 1 vài lần trong ngày hoặc nặng nề hơn là nôn ói suốt ngày. Tình trạng nôn ói quá nhiều và nặng nề (chiếm khỏang 1%) có thể gây mất nước, rối loạn điện giải: giảm kalimáu, kiềm trong máu và nước tiểu, sụt cân cho thai phụ. Thông thường nghén chỉ xuất hiện trong 3 tháng đầu (chiếm khỏang 70% thai phụ), có một số ít trường hợp nghén kéo dài suốt thai kỳ. Nếu nghén kéo dài gây sụt cân hoặc tăng cân rất ít trong thai kỳ, hậu quả có thể ảnh hưởng trên mẹ và thai. Đối với mẹ dễ bị băng huyết sau sinh, dễ nhiễm trùng hậu sản, đối với thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng, sinh non tháng. Với nghén nhẹ thường không ảnh hưởng đến sức khỏe chung của thai phụ, chỉ cần ăn những món ăn ưa thích, tránh những món ăn hoặc mùi hương gây khó chịu. Gừng và vitamin B6 giúp giảm triệu chứng nghén. Riêng Những trường hợp nghén nhiều có thể dùng thuốc chống nôn, ăn làm nhiều bữa nhỏ, uống nhiều nước: sinh tố, sữa hoặc nước cam, nước đường pha ít gừng, uống viên đa sinh tố mỗi ngày, nên ăn thức ăn dễ tiêu, tránh dầu mỡ. Thức ăn hơi nóng hoặc hơi lạnh giúp giảm nôn ói. Buổi sáng mới thức dậy nên ăn nhẹ một ít bánh ngọt hoặc bánh mặn rồi hãy chải răng. Nếu nghén quá nặng nề có thể nhập viện để điều chỉnh điện giải, dùng thuốc trung hòa acid dịch dạ dày. Trong những trường hợp thai phụ có chứng ăn dơ cần ăn sáng mỗi ngày vì no sẽ giảm cảm giác thèm ăn, cung cấp thêm viên đa sinh tố, tập thể dục và nâng đỡ về tinh thần. Thanh Huyền Việt Báo |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn