 | Đo mức độ nhiễm xạ. (Ảnh: Getty Images) | | |
Theo Cục An toàn bức xạ hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ, qua các quan sát, Việt Nam vẫn an toàn vì chưa có những dấu hiệu bất thường về phóng xạ. Hiện chưa có kịch bản chính thức đối phó với thảm họa hạt nhân nhưng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đã có trang thiết bị sẵn sàng ứng phó các sự cố hạt nhân.
Đại tá, Tiến sỹ, Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hữu Nghĩa – Viện Trưởng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội cho biết, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội là nơi duy nhất hiện nay chữa trị bệnh phóng xạ. Tùy vào mức độ nhiễm xạ, viện sẽ có cách chữa trị.
Năm 1992, sản phẩm thuốc “Điều biến đáp ứng sinh học” sản xuất từ công trình nghiên cứu cấp Nhà nước do GS.TSKH Nguyễn Xuân Phách chủ trì đã ứng dụng điều trị cho hàng trăm bệnh nhân từ các nước Nga, Ukraina, Belarus… bị nhiễm phóng xạ vụ Chernobyl.
Sau điều trị, tất cả các bệnh nhân đều có chuyển biến tích cực, không còn chất phóng xạ, nhịp tim huyết áp não trở lại bình thường. Các chỉ số này xác định qua phương pháp điện tim đồ và các kỹ thuật y tế khách quan, khiến không chỉ người bệnh mà cả các bác sĩ đến từ nước bạn cũng ngạc nhiên vì hiệu quả của thuốc.
Hiện nay, Viện đã có nhiều trang thiết bị hiện đại, đủ khả năng quan trắc, đo đạc và lập bản đồ phóng xạ trong phạm vi cả nước. Viện đang xây dựng khu cấp cứu cho các bệnh nhân nhiễm xạ.
Tuy nhiên, viện cần có lực lượng cấp cứu chuyên sâu hơn. Ví dụ như cần có xe chuyên dụng cấp cứu (có người máy đo mức độ phóng xạ), máy đo xạ toàn phần, thiết bị phát hiện phóng xạ từ xa…
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cũng cho hay, sắp tới khi người Việt Nam trở về từ Nhật Bản, viện này sẽ cử lực lượng kiểm tra sức khỏe, đo mức độ nhiễm xạ và điều trị kịp thời, nếu phát hiện có dấu hiệu xấu.
Về phía Bọ Y tế, ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ Y tế đã lên phương án kiểm tra nhiễm xạ đối với công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước. Bộ Y tế cũng đã lên phương án chuẩn bị nhân sự là các y bác sĩ chuyên ngành có nhiều năm kinh nghiệm và thành thạo trong việc xử lí phóng xạ.
Theo lời của một quan chức Bộ Y tế, hiện Bộ này đã cử người chuyên trách giám sát theo dõi tình hình đang diễn ra ở Nhật Bản.
(Tổng hợp)