“Người mắc bệnh tâm thần mãn tính, tuy lúc tỉnh, lúc mơ nhưng đến ngày Tết, họ vẫn cảm nhận và có mong muốn được về nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được người thân đón về đoàn tụ. Nhìn những ánh mắt ngây dại hướng ra cổng chờ người thân đến đón, nhìn những nét mặt u sầu khi ngày Tết đến gần, chúng tôi càng hiểu, cảm thông và nỗ lực hơn để mang đến cho bệnh nhân không khí Tết đầy đủ, ấm áp” - bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần tỉnh, chia sẻ.
Mỗi ngày, Bệnh viện điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân nội trú. Theo dự kiến, Tết Đinh Dậu 2017 có khoảng 160 bệnh nhân ở lại Bệnh viện. Họ là những người bệnh vô thừa nhận hoặc bệnh nhân nặng ở các khoa cấp tính, bán cấp tính nam, nữ. Đây đều là những bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần nặng, người thân sợ họ quậy phá nên không dám đưa về nhà, Tết sẽ mất vui. Để chăm sóc cho các bệnh nhân, Bệnh viện đã phân chia ca trực mỗi ngày. Các bác sĩ, điều dưỡng trực phải đảm bảo công tác quản lý, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân với phương châm an toàn, phục vụ tốt nhất. Các bệnh nhân nội trú vẫn được khám, theo dõi sát diễn biến bệnh hàng ngày. Đồng thời, lượng thuốc cũng được Bệnh viện dự trù, chuẩn bị đầy đủ để phục vụ cấp cứu, điều trị nội trú, ngoại trú và tại cộng đồng.
Bác sĩ Vũ Minh Hạnh cho biết: Ngày Tết, Bệnh viện vắng vẻ hơn ngày thường, buồn nhất là vào đêm Giao thừa hay mùng 1, mùng 2 Tết. Rất nhiều bệnh nhân cũng có nhu cầu được vui chơi, giải trí nhưng do số lượng cán bộ, nhân viên đi làm ít hơn ngày thường nên Bệnh viện cũng không dám tổ chức hoạt động gì cho bệnh nhân tham gia. Thêm nữa, đặc thù bệnh nhân ở đây là buổi tối phải uống thuốc và đi ngủ đúng giờ nên đêm Giao thừa, toàn Bệnh viện khá im ắng. Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, Bệnh viện thường mở ti vi, tổ chức chúc Tết, mừng tuổi, ăn nhẹ cho các bệnh nhân.
Dù không được về nhà nhưng các bệnh nhân vẫn được Bệnh viện tổ chức ăn Tết đầy đủ. Chị Đinh Thị Chín, Trưởng Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện, cho biết: “Một trong những việc quan trọng nhất những ngày Tết là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm các bữa ăn cho bệnh nhân. Do đó, chúng tôi tập trung kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm; tổ chức bảo quản, chế biến, phân phối khẩu phần ăn cho bệnh nhân khoa học, hợp lý. Đối với các phần quà là lương thực, thực phẩm do các tổ chức, nhà hảo tâm tặng cho các bệnh nhân, Bệnh viện sẽ tổ chức phân chia đều cho các bệnh nhân ở các khoa, phòng; đồng thời theo dõi sát sao, phát hiện và chữa trị kịp thời những trường hợp bệnh nhân rối loạn tiêu hoá, đau bụng...”.
Được biết, ngày thường, tiền ăn của bệnh nhân là 26.000 đồng/ngày (Bệnh viện hỗ trợ 10.000 đồng). Trong 4 ngày Tết, Bệnh viện hỗ trợ thêm cho mỗi bệnh nhân ở lại điều trị 50.000 đồng/ngày, tăng mức tiền ăn bệnh nhân lên 76.000 đồng/ngày. “Chúng tôi sẽ tổ chức gói bánh chưng vào ngày 25-1 (28 tháng Chạp) để mỗi bệnh nhân đều có bánh chưng ăn Tết. Trong 4 ngày Tết, bữa cơm của bệnh nhân cũng sẽ tăng về lượng và chất. Cụ thể, mỗi bệnh nhân sẽ có thêm bữa ăn nhẹ vào buổi tối; các bữa sáng, trưa, chiều sẽ có nhiều món ngon, đặc trưng ngày Tết, như: Thịt gà, bánh chưng, giò, thịt bò, chả nem, tôm rán... Mong rằng, dù ốm, dù bệnh nhưng mỗi bệnh nhân sẽ cảm nhận rõ nhất niềm vui khi Tết đến, Xuân về” - chị Chín chia sẻ.
Bên cạnh chăm sóc các bệnh nhân nội trú, những ngày Tết Nguyên đán, Bệnh viện thực hiện trực 24/24 giờ, đảm bảo an ninh trật tự, sẵn sàng cấp cứu ngoại viện, phòng chống dịch và khi có tình huống đặc biệt xảy ra. “Ngay những ngày đầu năm mới cũng sẽ có bệnh nhân nhập viện. Đó là những trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, có hành vi quấy phá khiến gia đình không chịu nổi nên gửi đến Bệnh viện. Đó là các bệnh nhân loạn thần, sảng rượu... do uống quá nhiều rượu trong dịp Tết hoặc sử dụng các loại ma tuý tổng hợp. Do đó, chúng tôi luôn sẵn sàng để tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân vào mọi thời điểm” - bác sĩ Vũ Minh Hạnh khẳng định.
- http://baoquangninh.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn