Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa sức khỏe "là một trạng thái hoàn toàn thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là không có bệnh hoặc không có dị tật". Định nghĩa nhấn mạnh rằng sức khỏe tâm thần là một phần không thể tách rời hạnh phúc toàn diện của một người, cùng với sức khỏe thể chất và xã hội. WHO cũng cho rằng "một tâm trí lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh" và "không sức khỏe nếu không sức khỏe tâm thần".
Ngày 10 tháng 10 hằng năm là ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới. Nhân ngày này, WHO lựa chọn một chủ đề và tổ chức các hoạt động truyền thông với mục tiêu là tăng cường nhận thức của toàn xã hội về tâm quan trọng của sức khỏe tâm thần và kêu gọi các hoạt động ủng hộ người bệnh tâm thần. Chủ đề được WHO lựa chọn nhân ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm 2014 là “Sống cùng với người bệnh Tâm thần phân liệt - Living with schizophrenia”
Bệnh Tâm thần phân liệt (TTPL) là một căn bệnh tâm thần nặng, hay tái phát và có khuynh hướng mạn tính, làm suy giảm nặng nề các chức năng tâm thần. Bệnh nguyên, bệnh sinh của bệnh vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng. Những biểu hiện của bệnh gồm các triệu chứng rối loạn về tư duy, nhận thức, cảm xúc, tri giác... gây khó khăn trong việc giao tiếp, ứng xử, ảnh hưởng đến chức năng nghề nghiệp xã hội và chất lượng cuộc sống bị giảm sút.
Bệnh TTPL thường khởi phát ở tuổi vị thành niên hoặc giai đoạn sớm của tuổi trưởng thành và ảnh hưởng đến khoảng 26 triệu người trên toàn thế giới. Bệnh nhân TTPL có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và khả năng tự lập trong cuộc sống thấp hơn so với những người bình thường. Các bệnh nhân này dẫn trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tỷ lệ bệnh TTPL trong suốt cuộc đời là khoảng 0,3 - 1% dân số, ngang bằng nhau ở nam và nữ. Bệnh TTPL làm gia tăng tỷ lệ lạm dụng chất (thuốc lá, rượu, ma túy) cũng như làm tăng nguy cơ tự sát dẫn tới tử vong.
Triệu chứng của bệnh TTPL rất đa dạng, phong phú, khác nhau ở mỗi cá thể. Đặc trưng của bệnh là những biểu hiện loạn thần (triệu chứng dương tính) như hoang tưởng (liên hệ, bị hại, bị chi phối,...), ảo giác (nghe thấy tiếng người nói trong đầu, ...), rối loạn hành vi tác phong (đi lang thang, đập phá đồ dùng, đánh người,....) hoặc những triệu chứng âm tính như tính tự kỷ (tính dị kỳ, khó hiểu, khó thâm nhập), sự giảm sút thế năng tâm thần (cảm xúc cùn mòn, khô lạnh, tư duy, ngôn ngữ ngày càng nghèo nàn, mất ý chí). Triệu chứng âm tính là nền tảng của quá trình phân liệt và là nhóm triệu chứng xuyên suốt quá trình bệnh.
Đối với một số người, bệnh tâm thần phân liệt thường khởi phát, hoặc có dấu hiệu báo trước bằng các triệu chứng như: rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, mất ngủ, ngủ nhiều), thay đổi về tính nết, tình cảm (dễ cáu giận hơn, nổi khùng, trầm tính, xa lánh, thù ghét người thân), thay đổi trong nề nếp sinh hoạt hằng ngày (lười biếng hơn, ngại giao tiếp, bỏ bê công việc, không chăm sóc vệ sinh cá nhân), thay đổi trong cách suy nghĩ (trở nên đa nghi hơn, hay nghi ngờ), hoặc có những ý nghĩ không đúng, không phù hợp (cho rằng có người đang theo dõi, hại mình, biết mọi ý nghĩ của mình, chi phối mọi hành vi, việc làm của mình), thay đổi trong cách nói (ít nói, nói một mình, nói những câu vô nghĩa, không có nội dung), thay đổi về hành vi, tác phong (có hành vi kỳ lạ, không phù hợp).
Bệnh TTPL cần phải được phát hiện sớm, điều trị tích cực, thích hợp, lâu dài nhằm hạn chế tiến triển xấu của bệnh, giúp cho người bệnh được ổn định. Các phương pháp điều trị bao gồm: hóa dược (thuốc an thần kinh, thuốc chỉnh khí sắc,....), liệu pháp sốc điện, kích thích từ xuyên sọ, liệu pháp tâm lý (nhận thức hành vi, liệu pháp cá nhân, liệu pháp nhóm, can thiệp gia đình) và phục hồi chức năng (liệu pháp lao động, vui chơi, giải trí,...).
Bệnh nhân TTPL cần được gia đình, y tế và cộng đồng quan tâm đúng mức nhằm giúp người bệnh luôn ổn định bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và được tham gia học tập, lao động, sinh hoạt cùng với mọi người trong cộng đồng.
Hưởng ứng ngày Sức khỏe tâm thần thế giới năm nay “Sống cùng với người bệnh Tâm thần phân liệt - Living with schizophrenia”, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh tổ chức các hoạt động như tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức mitting, tổ chức hoạt động thể thao và các bữa ăn từ thiện cho người bệnh đang điều trị nội trú tại Bệnh viện.
Tác giả: Ths Bùi Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn