Trẻ em là tương lai của xã hội, nhưng không phải em nhỏ nào cũng có may mắn sinh ra và lớn lên với điều kiện phát triển bình thường. Có những em chậm nói, có em không giao tiếp được, không biết cách thể hiện cảm xúc hoặc có những hành vi lặp đi lặp lại – dấu hiệu của những rối loạn phát triển mà nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em. Đứng trước thực tế ấy, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc cho hàng trăm gia đình có trẻ em đặc biệt.
Từ một mô hình chăm sóc mang tính chuyên môn cao, Trung tâm đang xây dựng môi trường nhân văn, nơi trẻ đặc biệt được yêu thương, thấu hiểu và phát triển từng ngày thông qua các chương trình sàng lọc, trị liệu, giáo dục đặc biệt, và đặc biệt là mô hình can thiệp sớm – một trong những yếu tố quyết định đến sự phục hồi và hòa nhập của trẻ.
“Không để trẻ đặc biệt bị bỏ lại phía sau”
Từ tháng 3/2025, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh chính thức trực thuộc Sở Y tế, qua đó có điều kiện thuận lợi hơn trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế, trường học, cộng đồng trong công tác phát hiện – đánh giá – can thiệp sớm cho trẻ có rối loạn phát triển như tự kỷ, chậm nói, tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi, khuyết tật trí tuệ nhẹ…
Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm cho biết:“Trung tâm hiện đảm nhận chức năng sàng lọc, tư vấn, xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân hóa và thực hiện can thiệp trực tiếp cho trẻ có biểu hiện chậm phát triển. Chúng tôi đang cố gắng xây dựng một mô hình tổng thể, chuyên sâu và nhân văn để trẻ không chỉ được điều trị mà còn được sống trong một môi trường tích cực, được tôn trọng và thấu hiểu. Can thiệp sớm là yếu tố then chốt, bởi càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao.”
Theo ông Hùng, trong bối cảnh ngày càng nhiều trẻ có dấu hiệu rối loạn phát triển được phát hiện tại cộng đồng, việc đẩy mạnh hệ thống sàng lọc và nâng cao nhận thức xã hội về can thiệp sớm đang là nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm trong giai đoạn hiện nay.

Ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh
Phát hiện sớm – cửa ngõ của can thiệp hiệu quả
Trung tâm đang triển khai hoạt động sàng lọc và đánh giá sớm định kỳ tại cơ sở và phối hợp với các trường mầm non, trạm y tế xã, phường để phát hiện các dấu hiệu bất thường về phát triển ở trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Các biểu hiện được chú ý như chậm nói, không giao tiếp mắt, không phản ứng khi gọi tên, có hành vi lặp lại, chậm thích nghi môi trường mới, tăng động…
Trẻ sau khi được sàng lọc sẽ được xây dựng hồ sơ theo dõi cá nhân với các chỉ số phát triển (ngôn ngữ, hành vi, vận động, nhận thức, cảm xúc xã hội…), từ đó nhóm chuyên môn sẽ đưa ra kế hoạch can thiệp phù hợp với từng mức độ.
Chị Đinh Thị Thu Thảo, cán bộ Phòng Tư vấn – Trợ giúp hành chính, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực can thiệp sớm cho biết:
“Điều quan trọng nhất là không được để lỡ ‘giai đoạn vàng’ từ 2–5 tuổi. Đây là thời kỳ não bộ trẻ phát triển mạnh mẽ, có thể tiếp nhận và học hỏi rất nhanh. Nếu can thiệp kịp thời, nhiều trẻ có biểu hiện tự kỷ mức nhẹ hoặc chậm ngôn ngữ sẽ đạt tiến bộ rõ rệt và có thể hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.”
Chị Thảo cũng chia sẻ, có không ít phụ huynh đến Trung tâm trong trạng thái hoang mang, thậm chí phủ nhận khi nghe con mình có dấu hiệu bất thường. Chính vì vậy, việc tư vấn – đồng hành với cha mẹ trong suốt quá trình can thiệp là một phần quan trọng của công tác xã hội với trẻ em đặc biệt.

Chị Đinh Thị Thu Thảo đánh giá, sàng lọc phát hiện dấu hiệu bất thường ở trẻ
Can thiệp đa dạng, cá nhân hóa: Từng bước giúp trẻ phát triển kỹ năng sống
Sau khi được đánh giá, trẻ sẽ được Trung tâm thiết kế kế hoạch can thiệp cá nhân, xác định rõ mục tiêu trong từng giai đoạn như: cải thiện giao tiếp, tăng sự tập trung, giảm hành vi tiêu cực, rèn luyện kỹ năng vận động, phát triển ngôn ngữ…
Các phương pháp được áp dụng gồm:
Trị liệu ngôn ngữ (speech therapy): giúp trẻ phát triển khả năng nghe – hiểu – diễn đạt;
Hoạt động trị liệu (occupational therapy): rèn kỹ năng vận động thô, tinh và tự phục vụ;
Can thiệp hành vi (ABA): điều chỉnh hành vi tiêu cực, xây dựng hành vi tích cực;
Giáo dục đặc biệt: dạy trẻ kỹ năng sống, nhận thức xã hội, cảm xúc, toán học – chữ cái cơ bản;

Cán bộ tại Trung tâm can thiệp trẻ có dấu hiệu của những rối loạn phát triển
Nghệ thuật trị liệu (vẽ tranh, âm nhạc): giúp trẻ thư giãn, thể hiện cảm xúc.
Một trong những hoạt động đặc sắc tại Trung tâm là lớp dạy vẽ cho trẻ đặc biệt. Dưới sự hướng dẫn của các cô giáo có chuyên môn và kinh nghiệm, trẻ không chỉ học được cách cầm bút, chọn màu, vẽ hình mà còn học cách quan sát, tưởng tượng và giao tiếp qua tranh. Không ít phụ huynh bất ngờ khi con mình có thể bộc lộ cảm xúc bằng màu sắc, trong khi hằng ngày vẫn ít nói.
Từ hoài nghi đến tin tưởng: Hành trình của một người mẹ
Một trong những câu chuyện đáng nhớ tại Trung tâm là hành trình của chị Trần Thị Tuất, trú tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long. Chị đưa con trai đến Trung tâm cách đây hơn 1 năm khi bé 3 tuổi, không nói được câu nào, không biết gọi bố mẹ, thường chơi một mình và có những hành vi lặp đi lặp lại.
Chị kể:“Lúc đầu tôi không tin con mình có vấn đề gì cả. Ông bà nói ‘nó chậm nói thôi, sau sẽ biết’. Nhưng bản năng người mẹ khiến tôi thấy bất an. Sau buổi truyền thông của Trung tâm tại phường, tôi đưa cháu đến kiểm tra. Khi bác sĩ nói cháu có dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ, tôi như sụp đổ. Nhưng nhờ các cô ở đây tận tình động viên, hướng dẫn, tôi quyết định cho cháu theo can thiệp.”
Sau 6 tháng học tại lớp trị liệu của Trung tâm, bé bắt đầu biết gọi mẹ, biết chỉ tay, biết nhờ giúp đỡ. Đến nay, cháu đã hòa nhập được với nhóm trẻ mầm non trong cộng đồng.
“Không thể tin nổi con tôi ngày xưa chỉ ngồi một mình nay đã biết chơi đuổi bắt với bạn, biết cười, biết ôm mẹ. Gia đình tôi mãi biết ơn các cô ở Trung tâm,” –chị Tuất xúc động chia sẻ.
Hành trình phía trước: Nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô
Hiện nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục đào tạo đội ngũ chuyên môn, tăng cường phối hợp liên ngành, áp dụng công nghệ trong đánh giá – trị liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý trẻ, và mở rộng các chương trình can thiệp sớm ra cộng đồng.
Giám đốc Trần Mạnh Hùng chia sẻ:“Chúng tôi đang hướng tới xây dựng một Trung tâm theo mô hình tiên tiến, lấy trẻ làm trung tâm, lấy phụ huynh làm đối tác đồng hành và lấy nhân văn làm cốt lõi. Trong tương lai gần, Trung tâm sẽ triển khai mô hình can thiệp dựa vào cộng đồng, kết nối mạng lưới giáo viên mầm non, cán bộ y tế, cộng tác viên xã hội để mọi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ.”
Lan tỏa yêu thương – gieo mầm hy vọng
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh không chỉ là nơi can thiệp, trị liệu cho trẻ mà còn là nơi lan tỏa niềm tin, hy vọng cho cả gia đình và cộng đồng. Với đội ngũ tận tâm, phương pháp khoa học và trái tim nhân hậu, Trung tâm đang viết tiếp hành trình đầy nhân văn – nơi những đứa trẻ đặc biệt được lắng nghe, thấu hiểu và vươn lên bằng chính năng lực của mình.
“Chúng tôi tin rằng, mọi đứa trẻ đều có thể tỏa sáng theo cách riêng của mình. Điều quan trọng là phải nhìn thấy ánh sáng ấy, từ thật sớm” lời khẳng định của một cán bộ trị liệu, cũng là tâm nguyện chung của toàn thể Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Hoàng Yến – CDC Quảng Ninh