Ngày 16/6/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Cuộc họp triển khai mô hình hỗ trợ kỹ thuật tập trung tuyến tỉnh do các dự án của USAID hỗ trợ tại Quảng Ninh.
Tham dự buổi làm việc, về phía CDC Quảng Ninh có đồng chí Vũ Quyết Thắng, Giám đốc Trung tâm; Cán bộ đầu mối kỹ thuật dự án EpiC; lãnh đạo và cán bộ nhân viên khoa Phòng chống HIV/AIDS.
Về phía Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) có ông Randolph Henri Augustin, Giám đốc chương trình y tế USAID/Việt Nam; ông Daniel M. Levit, Giám đốc Dự án USAID/EpiC cùng các cán bộ phụ trách chương trình.

Quang cảnh buổi làm việc
Dự án “Hoàn thành mục tiêu và duy trì kiểm soát dịch HIV/AIDS (EpiC)” được tài trợ bởi Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Quảng Ninh là một trong những tỉnh/thành phố được chương trình hỗ trợ trực tiếp tại Việt Nam với mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật dựa trên kết quả, hợp lý và hiệu quả, cùng với các dịch vụ hỗ trợ trực tiếp nhằm thu hẹp khoảng cách trong các nỗ lực hướng tới hoàn thành các mục tiêu 95-95-95 của tỉnh và của Việt Nam. Dự án tập trung vào những hoạt động chủ yếu liên quan đến việc chuyển giao, hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp và hỗ trợ kỹ thuật; Hệ thống hoá để đáp ứng y tế công cộng,…
Hội nghị đã được nghe đại diện USAID/Việt Nam trình bày cách thức chuyển giao hỗ trợ chương trình điều trị của PEPFAR từ hỗ trợ trực tiếp cho cơ sở sang hỗ trợ tập trung tuyến tỉnh và thống nhất cách thức thực hiện chuyển giao trong năm 2024. Theo đó, nội dung mô hình sẽ chuyển từ trực tiếp sang tuyến tỉnh, để cao vai trò của CDC trong việc trở thành cầu nối, hỗ trợ và kết nối với cơ sở. PEPFAR sẽ chỉ tập trung hỗ trợ kỹ thuật, chỉ tiêu, thống kê, báo cáo, tài chính,… cho tuyến tỉnh mà không can thiệp và hỗ trợ trực tiếp cho từng cơ sở như trước đây. Phạm vi hỗ trợ sẽ được thu hẹp. Thay vào đó, CDC sẽ trở thành đơn vị trực tiếp kiểm soát, điều phối hoạt động tới từng đơn vị. Mục đích của mô hình này là đề cao vai trò hoạt động của đơn vị đầu mối tuyến tỉnh, tăng hiệu quả trong việc kiểm soát, xử lý thông tin mang tính tổng quát hơn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng, Giám đốc CDC Quảng Ninh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng, Giám đốc CDC Quảng Ninh đánh giá cao tính thực tế và hiệu quả mô hình có thể mang lại trong tương lai đồng thời cũng gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm, hỗ trợ của USAID với Quảng Ninh thông qua các chương trình, dự án cộng đồng. Vì đây là một mô hình mới và để triển khai có hiệu quả mô hình đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều yếu tố, đồng chí đề nghị USAID/Việt Nam cần có phương án hỗ trợ cụ thể đối với CDC Quảng Ninh, có thể tăng tần suất hỗ trợ thông qua những buổi làm việc trực tiếp để chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm và những kỹ năng cần thiết trong công tác thống kê báo cáo, phân bổ ngân sách hay ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành. Từ đó sẽ góp phần rút ngắn được thời gian xét nghiệm, phát hiện đối với bệnh nhân nhiễm HIV, nâng cao hiệu quả điều trị và kiểm soát người bệnh trên địa bàn.

Ông Randolph Henri Augustin, Giám đốc chương trình y tế USAID/Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Ghi nhận và đánh giá cao nguồn lực hiện có cũng như hiệu quả triển khai hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại đơn vị, ông Randolph Henri Augustin, Giám đốc chương trình y tế USAID/Việt Nam cho biết đoàn sẽ tổng hợp kiến nghị đề xuất và có phương án hỗ trợ phù hợp, đảm bảo hiệu quả khi đưa mô hình vào hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh.

Đoàn tham quan khu vực xét nghiệm tại CDC Quảng Ninh
Trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn đã tới tham quan khu vực phòng xét nghiệm sinh học phân tử và phòng xét nghiệm nước, thực phẩm tại đơn vị.
Thanh Nga, Công Sơn (CDC)