Chậm nói là tình trạng trẻ phát triển ngôn ngữ chậm hơn so với trẻ cùng lứa tuổi bình thường. Điều này có thể thể hiện qua việc trẻ gặp khó khăn trong phát âm, nói và giao tiếp bằng ngôn ngữ. Việc phát hiện và can thiệp sớm giúp trẻ có cơ hội phát triển bình thường như bao trẻ khác.
Trẻ chậm nói là trẻ bị hạn chế khả năng phát âm từ ngữ, nhưng vẫn có khả năng hiểu ngôn ngữ và biết cách giao tiếp thông qua cử chỉ, ánh mắt hoặc hành động. Trẻ có thể hiểu những gì người lớn nói và yêu cầu, thực hiện theo yêu cầu nhưng không thể đáp lại bằng lời. Đây chính là dấu hiệu cho ta thấy trẻ có vấn đề về khả năng phát âm hoặc vận động cơ miệng, mà không phải về khả năng tiếp thu ngôn ngữ.

Trẻ chậm nói có thể do nhiều nguyên nhân
– Nguyên nhân từ thực thể: Trẻ có thể gặp vấn đề về sức khỏe hoặc bất thường ở các cơ quan phát âm như tai, mũi, họng, hoặc não bộ, cấu trúc miệng (dính thắng lưỡi: dây thắng lưỡi ngắn gây khó khăn trong việc phát âm, dẫn đến tình trạng chậm nói) và các khiếm khuyết ở vòm miệng, vấn đề về thính giác như viêm tai giữa, viêm mãn tính và nhiều bệnh lý khác liên quan đến thính giác;
– Các vấn đề về thần kinh (Bại não, loạn dưỡng cơ, chấn thương sọ não, di chứng sau xuất huyết não, viêm màng não); thiểu năng trí tuệ;
– Yếu tố tâm lý: Môi trường sống thiếu sự quan tâm, giao tiếp, tương tác của cha mẹ, các thành viên trong gia đình cũng như mọi người xung quanh, cha mẹ quá nuông chiều hoặc bận rộn, ít có thời gian trò chuyện với trẻ, hay khi trẻ gặp biến cố gây sốc tâm lý cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói
– Trẻ được 3 – 4 tháng tuổi: Trẻ không đáp ứng với tiếng động mạnh, không phát ra âm thanh gừ gừ, hoặc trẻ bắt đầu gừ gừ nhưng không biết bắt chước các âm thanh khác.
– Trẻ 7 tháng tuổi: Biểu hiện cảnh báo đáng tin cậy nhất là: trẻ không đáp ứng với tiếng động.
– Trẻ 12 tháng tuổi: Trẻ không tìm cách giao tiếp với người khác (trong khi những em bé khác đã bắt đầu sử dụng âm thanh, cử chỉ hay lời nói), kể cả khi trẻ cần giúp đỡ hay mong muốn điều gì đó. Trẻ không biết nói bất kì một từ nào, ví dụ: “bà” hoặc “ba”. Không bi bô, không phát ra các phụ âm (ví dụ: p hoặc b). Trẻ không biết thực hiện các động tác đơn giản như: vẫy tay chào tạm biệt, lắc đầu để nói không, chỉ tay vào đồ vật trẻ muốn. Trẻ không có phản ứng khi được đúng gọi tên. Không hiểu và không có hành động phản ứng với các từ đơn giản như: “không”, “chào bé” và “bai bai”. Trẻ có biểu hiện không quan tâm đến thế giới xung quanh.
– Trẻ 16 tháng: Trẻ được 16 tháng nhưng vẫn không hiểu và không phản ứng gì với các từ như: “không”, “dậy nào”. Không thể nói được bất kỳ từ ngữ nào. Không biết chỉ vào đồ vật hay bức tranh ở trước mặt khi được hỏi, ví dụ cha mẹ hỏi: “Quả bóng đâu”. Trẻ không biết chỉ vào vật mình thích, như kiểu muốn diễn đạt ý “Mẹ/Ba nhìn đây!” và kết hợp với động tác ngước nhìn ba mẹ.
– Trẻ 18 tháng tuổi: Trẻ không thể chỉ vào vài bộ phận của cơ thể (ví dụ: đầu, mắt, mũi) khi được người lớn yêu cầu. Trẻ chưa thể nói được 6 từ ngữ bất kỳ. Trẻ không thể hoặc không có ý muốn cố gắng giao tiếp bằng bất cứ cách nào, kể cả khi trẻ đang cần sự giúp đỡ. Không biết chỉ vào thứ mình muốn. Vẫn chưa nói được các từ đơn giản như: “mẹ”, “bế”. Trẻ không hiểu các mệnh lệnh đơn giản, ví dụ “Đừng sờ vào nó”. Không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được bao mẹ hoặc người thân hỏi “cái gì đây?”, “dép bé đâu?”
– Trẻ 19 – 23 tháng tuổi: Vốn từ ngữ của trẻ tăng chậm (không đạt được một từ mới mỗi tuần).
– Trẻ 24 tháng tuổi: Trẻ chưa nói nổi 15 từ tổng cộng. Không thể tự nói ra lời mà chỉ nhại lại lời nói của ba mẹ hoặc người khác đã nói. Không thể tự thực hiện những cuộc hội thoại đơn giản chỉ với câu gồm 2 từ, ví dụ: “Mẹ bế”, “Uống nữa” (hoặc nói được nhưng nói còn vấp váp). Không muốn hoặc không thể dùng lời nói để giao tiếp, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp.
Không hiểu các chỉ dẫn hoặc các câu hỏi dài hơn, ví dụ: “Lấy giày của con đi”, “Con muốn uống không?”, “Ba đâu rồi?”. Không biết giả vờ chơi với búp bê hoặc tự chơi với chính mình, ví dụ: cho búp bê ăn, nói chuyện một mình với búp bê, tự chải đầu làm đẹp. Không biết bắt chước hành động hoặc lời nói của người khác. Khi xem sách, trẻ không thể chỉ vào một bức tranh mà ba mẹ gọi tên. Trẻ không thể nối hai từ lại với nhau. Không biết công dụng của những đồ vật thông dụng trong nhà, ví dụ: bàn chải đánh răng, bát đĩa.
– Trẻ 25 – 35 tháng tuổi. Trẻ không thể nói được câu đơn giản có khoảng 2-4 từ. Không thể gọi tên một vài bộ phận trên cơ thể. Không nhớ những thứ được lặp đi lặp lại nhiều lần, ví dụ: một bài thơ ngắn. Không thể tự đặt các câu hỏi đơn giản. Không ai trong gia đình có thể hiểu ý của trẻ.
– Trẻ chậm nói khi đã được 3 tuổi: Trẻ không sử dụng đại từ nhân xưng nào (con, mẹ, ba). Không thể ghép các từ thành một câu ngắn, ví dụ: “Mẹ giúp con”,” Muốn uống nữa”. Không hiểu những chỉ dẫn hoặc câu hỏi ngắn, ví dụ: “Lấy giày của con và đặt lên giá”, “Trưa nay con muốn ăn gì?”. Lời nói của trẻ phát ra rất không rõ ràng, khiến người trong nhà và người ngoài đều không hiểu. Thường xuyên lắp bắp, rất khó phát ra âm thanh hay từ ngữ, khi nói vẻ mặt trẻ nhăn nhó. Trẻ không đặt câu hỏi. Ít quan tâm hoặc thậm chí không quan tâm gì đến sách truyện. Không quan tâm và không tương tác với những trẻ khác. Đặc biệt, trẻ rất khó tách khỏi bố mẹ.
– Trẻ 4 tuổi: Trẻ chưa thể phát âm thành thục hầu hết các phụ âm. Chưa hiểu được khái niệm “giống nhau” và “khác nhau”. Trẻ không sử dụng đại từ nhân xưng “con” và “mẹ” đúng cách.
Một số kỹ năng, phương pháp can thiệp cho trẻ chậm nói
Luyện tập vận động:
Liên quan đến việc dạy trẻ tập nói, hoạt động tâm vận động đóng một vai trò quan trọng và là vấn đề then chốt đối với trẻ. Tác động đến vận động là điều đầu tiên cần thực hiện để giúp trẻ giữ cơ thể trong trạng thái cân bằng để có thể hoạt động, học tập và làm việc hiệu quả. Vận động giúp cải thiện tình trạng của trẻ tự kỷ hiệu quả nhất – là kết luận thu được từ thực tế nghiên cứu.
– Các bài tập với bóng: Nằm hoặc ngồi trên bóng, nhún bóng lên xuống (tay trên bóng/tay nắm tay người lớn/tay lên cao khi khả năng giữ thăng bằng đã tốt), lăn tròn bên này sang bên kia, nằm sấp bụng, dùng tay đẩy tới, đập bóng bằng tay (“nhanh” và “chậm….”)
– Các bài tập với sàn nhún: Vừa nhảy vừa đếm 1 – 10, hô to: chuẩn bị, sẵn sàng, bắt đầu…. dừng lại. Bật lò xo, ngồi xổm, kéo co, đi cầu thăng bằng, leo thang, tự lăn, đu võng, các bài tập với ván trượt, đi xe đạp, đu xà…
Bài tập khẩu hình miệng:

Những bài tập này cô làm mẫu trước và cho trẻ bắt chước theo
+ Cắn môi dưới
+ Há miệng: há miệng to
+ Tròn môi: Há miệng và dùng hai ngón trỏ ấn nhẹ vào hai bên má thành hình chữ o
+ Chu môi: Càng chum miệng và chu dài ra càng tốt
+ Liếm môi: Liếm môi trên, liếm môi dưới, liếm từ trái qua phải và làm ngược lại
+ Đánh lưỡi: Đánh lưỡi lên, xuống, qua trái, qua phải
+ Hút ống hút: nếu bé đã hút được ống hút ngắn, thì mua loại ống hút có nhiều vòng xoắn, đã hút được loại to thì mua loại nhỏ, động tác này chủ yếu tập cho bé biết lấy hơi vào.
+ Thổi: Cho bé thổi đủ thứ từ nhẹ đến mạnh. Từ thổi bong bóng xã phòng đến thổi vụn giấy trên bàn, thổi kèn, thổi tò he, thổi đèn cầy, thổi kèn harmonica, thổi sáo… động tá này chủ yếu để bé tập đẩy hơi ra.
+ Chạm hai hàm răng vào nhau, cắn nhai: để hàm của bé dẻo ( bé nào chịu nhai kẹo dừa, kẹo cao su là cực tốt)
+ Mút: Cho bé ăn kẹo mút
+ Phồng má: phồng má rồi ấn hai ngón tay vào má cho phun hơi ra, phồng má rồi đưa không khí trong miệng qua lại.
+ Chạm lưỡi vào mọi vị trí trong miệng, xung quanh hai hàm răng đặc biệt là hai bên má.
+ Để lưỡi lên đầu hàm răng trên: bé làm động tác này được thì mới phát âm chữ L được.
+ Mím môi: Động tác này để phát âm chữ M
+ Bập môi: động tác này để phát âm chữ B
+ Chu môi thổi phù: động tác này để phát âm chữ PH
Phát âm theo lệnh
+ Lấy tay vỗ nhẹ vào miệng và phát âm oa oa
+Tặc lưỡi: Như tiếng thằn lằn kêu
+ Tróc lưỡi: đưa đầu lưỡi lên vòm họng rồi bật xuống thành tiếng tróc tróc
+ Hôn gió: chu môi và hôn chụt chụt
+ Phun mưa: Làm như em bé phun mưa
Bài tập kết hợp khẩu hình và phát âm
Khi phát âm khuyến khích trẻ nói càng to càng tốt, phòng càng yên tĩnh càng tốt. Khi bắt đầu tập, tập 3 âm dễ trước, khi bé phát âm thật tốt, thật chuẩn một âm rồi mới tiếp tục một âm khác, bao giờ cũng chỉ có 3 âm thôi, đừng quá nhiều bé sẽ rối. Tập phát âm quan trọng là kiên nhẫn và cường độ lặp đi lặp lại, không nóng vội được. Nếu bé chưa phát âm được âm dễ, bé sẽ không phát âm được những âm khó hơn. Nếu ta lướt qua, bé sẽ rất khó nói chuẩn được sau này. Vì có nhiều bé nói rất nhiều, nhưng không ai hiểu bé nói gì, hoặc bé sẽ nói mà không có ngữ điệu.
+ Há miệng thật to và phát âm A
+ Tròn miệng và phát âm O
+ Chu môi và phát âm U
+ Há miệng và phát âm HỜ, HA, HO, HU
+ Bặp môi và phát âm BỜ, BA, BO, BU
+ Mím môi và phát âm MỜ, MA, MO, MU
+ Uốn lưỡi và phát âm LỜ, LA, LO, LU
Bài tập kết hợp phát âm và ngữ điệu
+ U-I, A-E, O-I, A-U, E-O
+ A – À – Á, O – Ò – Ó, U – Ù – Ú
+ HA – HÀ – HÁ, HO – HÒ – HÓ, HU – HÙ – HÚ
+ BA – BÀ – BÁ, BO – BÒ – BÓ, BU – BÙ – BÚ
+ MA – MÀ – MÁ, MO – MÒ – MÓ, MU – MÙ – MÚ
+ LA – LÀ – LÁ, LO – LÒ – LÓ, LU – LÙ – LÚ
Bài tập giả vờ tiếng động vật
Con chó sủa làm sao? – Gâu gâu
Con vịt kêu làm sao? – Cạp cạp
Con gà gáy làm sao? – Ò Ó O
Con ngựa hí làm sao? – Hí hí
Con heo kêu làm sao? – Éc éc
Con chuột kêu làm sao? – Chít chít
Còn bò kêu làm sao? – Ùm bò
Phát âm thông qua trò chơi
Bài tập kết hợp động tác và phát âm:
Chơi chi chi chành chành – Nói “CHI CHI”
Khi úp tay lại “Ù À Ù ẬP” – Nói “ẬP”
Xếp nhiều khối gỗ lên nhau rồi hất đổ – Nói “ẦM”
Xe hơi chạy – Kêu “BIN BIN”
Xe lửa chạy – Kêu “TU TU”
Đẩy nằm xuống – Nói “ÌNH”
Đọc thơ và hát vuốt đuôi
Cần phân biệt đọc thơ hay hát chuyển bài, tập thể lực và để lấp khoảng trống. Nên chọn bài mới, âm điệu vui tươi, nhanh…để thu hút sự chú ý của trẻ. Nhưng khi để bé thuộc lòng và đọc hay hát vuốt đuôi theo, thì bài hát, bài thơ đó phải thật ngắn, âm từ dễ nhớ, dễ đọc,…và được lặp lại nhiều lần (cho những bài đầu) thì may ra bé mới vuốt đuôi theo được. Khi muốn bé vuốt đuôi theo thì cần ngắt giọng chữ cuối và nhắc chừng cho bé theo. Những ngày đầu, âm của bé còn rất ngọng ngịu, khó nghe, nói cho bé từ đúng ngay từ khi bé phát ra âm, nhưng dần, bé sẽ nói rõ hơn. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, những bé có thể phát âm vuốt đuôi theo bài, không có nghĩa là bé hiểu từ đó có nghĩa gì, và sẽ được sử dụng trong ngày thường. Để có sự liên kết đó, bé còn phải đi một chặng đường dài. Khởi đầu, vuốt đuôi đơn giản chỉ là một bài tập phát âm, thế thôi không phải nói. Đó là lý do tại sao nhiều phụ huynh thắc mắc là sao con tôi đọc thơ hay lắm, hát hay lắm, bài gì cũng thuộc hết mà sao không chịu nói.
Tập nói những từ đơn giản thường dùng
Trước hết bé cần phải nói, thứ hai là bé phải thích nói. Không có nhu cầu, không cần, bé sẽ không có động cơ để nói. Không thích thú lời nói, không ý thức được sức mạnh của lời nói, bé chỉ nói thụ động chứ không chủ động, hoặc bé chỉ nói khi có ai đến hỏi, không bắt phải nói, bé không nói.
– Ạ: Âm đầu tiên mà các bé có thể nói được chắc là chữ A, dạy cho bé khoanh tay, cúi đầu và nói Ạ khi gặp người lớn. Áp dụng cho mọi trường hợp, mọi nơi, mọi người.
– Dạ: Khi gọi tên, dạy bé đáp lại bằng cách lên tiếng “dạ”, nếu không nhiều khi bé ở trong nhà mà tìm hoài không thấy, vì bé chẳng chịu lên tiếng gì cả, và cũng chẳng chịu chạy ra nếu bé đang mải mê chơi cái gì đó. Áp dụng cả ngày.
– 1,2,3… : Hầu như với tất cả các bé, nói chữ “BA” là dễ nhất. Dùng 1,2,3.. để mở đầu mọi trò chơi mà bé yêu thích. Đếm “ một, hai” và để cho bé nói “ba”. Sau này khi bé muốn khởi đầu trò chơi đó, bé sẽ nói “ba” hay “à, a, ba” vì bé chưa nói được “một, hai”. Áp dụng bài học này cho các bài tập khác như đi lên cầu thang, đếm 1,2,3 …, nhảy vòng đếm 1,2,3…
Một đứa trẻ nếu chậm nói có thể kéo theo rất nhiều những hạn chế: Trẻ sẽ bị hạn chế giao tiếp khi thể hiện nhu cầu cơ bản, hạn chế tương tác xã hội, hạn chế sự phát triển ngôn ngữ – lời nói, hạn chế sự phát triển nhận thức, hạn chế khả năng học tập, tư duy, hạn chế sự phát triển toàn diện của trẻ, trẻ có xu hướng phát triển các hành vi không phù hợp để thể hiện nhu cầu: ăn vạ, cắn, đánh người khác,…Do đó, việc phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, can thiệp sớm trong giai đoạn tuổi vàng là vô cùng quan trọng đối với trẻ. Hiện tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện sàng lọc, đánh giá, tư vấn và can thiệp tâm lý trị liệu miễn phí cho trẻ. Nếu gia đình có nhu cầu có thể liên hệ theo số tổng đài tư vấn miễn phí 18001769 để đăng ký lịch đánh giá, sàng lọc. Địa chỉ của Trung tâm: Số 35A Điện Biên Phủ, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Hương Thảo, TT Công tác xã hội QN