Nhằm tăng cường năng lực cũng như hỗ trợ kỹ thuật trong cung cấp dịch vụ, đồng thời hướng đến hiệu quả tích cực trong các chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Từ ngày 13 đến ngày 15/04/2023, dự án USAID EpiC và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức tập huấn “điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) và kỹ năng tư vấn tạo động lực hỗ trợ khách hàng PrEP” cho hơn 20 học viên đến từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả, Trung tâm Y tế Thành phố Hạ Long, Móng Cái và huyện Vân Đồn.

Quang cảnh buổi tập huấn
Tại lớp tập huấn, các học viên được cung cấp những thông tin tổng quan về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Điều trị dự phòng bằng cotrimoxazole và điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV; quản lý bệnh HIV tiến triển; quản lý bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV: Sức khỏe tâm thần, lạm dụng chất gây nghiện; dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ trẻ vị thành niên; cung cấp dịch vụ điều trị, chăm sóc HIV/AIDS; chăm sóc giảm nhẹ ở người nhiễm HIV; quản lý bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường;…
Ngoài kiến thức lý thuyết, các học viên tích cực thảo luận, tham gia các bài tập thực hành, làm bài nhóm, trao đổi chi tiết, cụ thể công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại đơn vị. Qua đó cùng nhau chia sẻ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện tốt hơn trong tư vấn, điều trị dự phòng PrEP tại cơ sở.
Qua lớp tập huấn, các học viên sẽ được trang bị thêm nhiều kiến thức về PrEP trong việc điều trị dự phòng HIV trên địa bàn để góp phần đáp ứng điều trị dự phòng cho nhóm đối tượng nguy cơ cao bằng thuốc kháng virus HIV, tạo điều kiện cho chương trình phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn đạt kết quả tốt trong thời gian tới.

Học viên thực hành nhóm tại lớp tập huấn
Sau lớp tập huấn, các học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Năm 2015, Tổ chức Y tế đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới, người tiêm chích ma tuý, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV từ 200 bản sao/ml máu trở lên. Nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV, những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%.

Học viên tham gia lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm cùng các giảng viên
Năm 2017, Việt Nam đã triển khai cung cấp dịch vụ PrEP thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2019 đến nay, với sự hỗ trợ từ dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét, Bộ Y tế đã mở rộng cung cấp dịch vụ PrEP tại 29 tỉnh, thành phố với 210 cơ sở điều trị (49 cơ sở PrEP tư nhân) tại 29 tỉnh/thành phố với đa dạng các mô hình cung cấp dịch vụ như: PrEP qua cơ sở y tế công lập – cơ sở y tế tư nhân do cộng đồng làm chủ, PrEP tại nhà thuốc, PrEP lưu động, Tele PrEP, PrEP và mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho khách hàng. Việc triển khai chương trình dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến quý 3 năm 2022, 60.258 khách hàng sử dụng PrEP tích lũy và 31.165 khách hàng đang sử dụng PrEP, trong đó, PrEP hàng ngày chiếm 94,5% số khách hàng sử dụng.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy điều trị PrEP làm giảm lây nhiễm HIV đến 86% ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (nghiên cứu IPERGAY và PROUD), làm giảm lây nhiễm HIV đến 75% ở nhóm cặp bạn tình dị nhiễm (nghiên cứu Partners PrEP), làm giảm lây nhiễm HIV đến 62% ở nhóm quan hệ tình dục khác giới (nghiên cứu TDF2).
Hoàng Yến- CDC Quảng Ninh