Ngày 10/10/2022, tại TP. Hạ Long, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức lớp tập huấn phòng chống bệnh Dại năm 2022 cho 50 học viên là cán bộ chuyên trách phòng chống bệnh dại, cán bộ tiêm chủng tại phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm Y tế, bệnh viện Sản Nhi và Phòng Y tế 13 huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh.

Học viên tham dự là cán bộ chuyên trách tại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh
Trong những năm trở lại đây, bên cạnh sự bùng phát của một số dịch bệnh mới như COVID-19, đậu mùa khỉ…thì một số bệnh truyền nhiễm khác trong đó có bệnh Dại vẫn có nguy cơ quay trở lại nếu không được giám sát và kiểm soát kịp thời. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 năm (từ 2011-2021), Việt Nam ghi nhận hơn 900 trường hợp tử vong do bệnh tại. Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn quốc ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại tại 22 tỉnh, tương đương cùng kỳ năm 2021.
Tại Quảng Ninh, từ năm 2020 đến nay đã ghi nhận các trường hợp chó cắn người có kết qủa xét nghiệm dương tính với bệnh dại tại Huyện Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái. Trong tháng 9 năm 2022 tại Quảng Ninh ghi nhận 07 sự kiện chó nghi Dại cắn nhiều người, 15 người phơi nhiễm tại Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái và Quảng Yên. Số trường hợp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm 2.802 trường hợp, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021 (3.142), trong đó 192 trường hợp tiêm huyết thanh, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2021.

Đ/c Nguyễn thị Dung- Trưởng khoa KSBTN triển khai “ Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2030”
Tại lớp tập huấn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai “ Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2030”, hướng dẫn giám sát phòng chống bệnh Dại trên người; phương pháp chẩn đoán bệnh Dại ở động vật; Xử lý khi bị động vật nghi Dại cắn; Hướng dẫn mới nhất về vắc xin, biện pháp điều trị dự phòng bệnh bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại,…

Học viên tham dự lớp tập huấn
Với phương pháp giảng dạy tích cực, nâng cao sự tương tác, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, lớp tập huấn đã giúp cho đội ngũ cán bộ y tế được củng cố, cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích, nâng cao kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác phòng chống bệnh Dại, để từ đó tuyên truyền, phổ biến các nội dung về phòng chống bệnh Dại cho người dân, chủ động phối hợp với ngành y tế tại địa phương triển khai các hoạt động phòng chống dịch hiệu quả, góp phần kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh trên địa bàn.
Thanh Nga, Tiến Đạt (CDC)