Thực hiện công văn của Bộ Y tế và UBND tỉnh ngày 1/3/2023 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, ngày 4/3/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ban hành văn bản số 391/TTKSBT-KSBTN triển khai tới tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.
Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, từ ngày 22/02/2023 Campuchia ghi nhận 02 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 01 trường hợp đã tử vong. Tại Việt Nam, thời tiết hiện nay thay đổi bất thường thuận tiện cho virut cúm gia cầm phát triển. Trước đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tháng 01 năm 2023 đã ghi nhận 01 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại xã Dực Yên, huyện Đầm Hà. Bên cạnh đó, Quảng Ninh là tỉnh có giao lưu thương mại, du lịch phát triển nên có nguy bị cúm gia cầm xâm nhập, lây nhiễm sang người. Theo đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh và hạn chế lây lan dịch trên quy mô rộng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đề nghị các đơn vị thực hiện một số nội dung sau:
1. Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế: cần tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh nhất là người liên quan giết mổ, buôn bán gia cầm hoặc người đến từ các khu vực đang có dịch (gồm cả dịch trên gia cầm và ở người). Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc biệt là các nước giáp ranh. Báo cáo kịp thời các trường hợp nghi ngờ được phát hiện tại Cửa khẩu.

Tăng cường các biện pháp để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây sang người
2. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố: Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A (H5N1). Đặc biệt lưu ý các trường hợp là người nhập cảnh- nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (bao gồm cả dịch trên gia cầm và ở người), có biểu hiện nghi ngờ/mắc bệnh phải lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để làm xét nghiệm.
– Xử lý sớm, triệt để ổ dịch , quản lý ca bệnh ( nếu có). Không để bệnh lây lan ra cộng đồng.
– Tăng cường phối hợp liên ngành Y tế – Thú y và các Ban, Ngành liên quan trong giám sát, phát hiện dịch cúm trên gia cầm đặc biệt tại các Cửa khẩu và chợ 2 gia cầm sống. Chia sẻ thông về tình hình dịch bệnh trên gia cầm cho các bên liên quan và triển khai phối hợp trong điều tra, xử lý dịch.
– Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt tại những khu vực có nguy cơ cao; người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh. Khuyến cáo mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
– Tăng cường thực hiện hoạt động giám sát bệnh dựa vào sự kiện (EBS) phát hiện ghi nhận các thông tin, sự kiện về cúm gia cầm trên người tại địa phương, xác minh và can thiệp kịp thời.
– Sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, môi trường lấy mẫu bệnh phẩm… đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch.
3. Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố: Chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Chỉ đạo các phòng khám tư nhân trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tính tại cộng đồng. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo các ca bệnh mắc/nghi mắc theo quy định tại thông tư 54/2015-BYT của Bộ Y tế.
4. Đối với các đơn vị điều trị: Giám sát phát hiện sớm tất cả các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng nghi do virut tại bệnh viện, đặc biệt là có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết; đi đến từ vùng đang có dịch, cần báo cáo ngay cho Trung tâm Y tế cùng cấp và lấy mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm Y tế Kiểm soát bệnh tật tỉnh để xét nghiệm. Sẵn sàng thu dung, cách ly, chuẩn bị đầy đủ thuốc và các trang thiết bị cần thiết để điều trị bệnh nhân.
Thanh Nga (CDC)