Thời gian qua, dù ngành Y tế đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp kết hợp các chương trình dự phòng, can thiệp tại cộng đồng nhưng tỷ lệ mắc các bệnh răng miệng ở trẻ em Việt Nam vẫn còn ở mức cao.
Theo điều tra của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương, 85% trẻ em lứa tuổi từ 6-8 bị sâu răng sữa. Tình trạng sâu răng cũng tăng dần theo lứa tuổi. Về tình trạng sâu răng vĩnh viễn, ở lứa tuổi từ 6-8 có hơn 25% trẻ bị sâu răng, nhóm tuổi từ 9-11 tuổi với 54% trẻ bị sâu răng và mức độ sâu răng cũng nhiều hơn so với nhóm trẻ từ 6-8 tuổi. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương có từ 80-90% trẻ em răng bị lệch lạc, do răng sữa sâu không được điều trị thích hợp; 2/3 số trẻ em từ 6-14 tuổi không bao giờ đi khám răng miệng.

Nguyên nhân số trẻ em mắc sâu răng cao thứ nhất là do sự thiếu hụt các bác sĩ răng hàm mặt, đặc biệt là ở tuyến huyện. Nếu như ở các nước phát triển, 1 bác sĩ răng hàm mặt phục vụ 1.000 – 2.000 dân thì ở Châu Á là 1 bác sĩ răng hàm mặt/5.000 dân, còn Việt Nam trung bình là 1 bác sĩ răng hàm mặt/25.000 dân. Nguyên nhân thứ hai là do nồng độ Fluor trong nước ăn ở các địa phương thường dưới mức trung bình, chưa bằng ½ chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là việc chăm sóc răng miệng ở trẻ em còn hạn chế, 50% trẻ em không bao giờ đi khám răng miệng; các điều tra ở nhiều trường tiểu học cũng ghi nhận, đa số học sinh không có thói quen đánh răng 3 lần/ngày, hầu hết chỉ đánh răng vào buổi sáng.
Nhằm cải thiện tình trạng răng miệng cho trẻ học đường, thời gian qua, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động như: Phối hợp với các trường học khám răng miễn phí cho trẻ; hàng năm truyền thông Hưởng ứng ngày Sức khỏe răng miệng Thế giới; tăng cường tuyên truyền, giáo dục người dân về chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con em; lồng ghép tuyên truyền về răng miệng trong các buổi học cho học sinh; phối hợp với các đơn vị tuyến Trung ương tổ chức tập huấn, đào tạo về nha học đường,… Thông qua đó đã giúp cho các cán bộ làm công tác y tế trường học, nha học đường, phụ huynh và học sinh nâng cao thêm kiến thức, góp phần đảm bảo việc phòng chống bệnh răng miệng cho trẻ đạt hiệu quả.
Để hạn chế các bệnh răng miệng cho trẻ học đường, ngoài những chiến lược quốc gia, các bậc phụ huynh nên tập thói quen đánh răng thường xuyên cho con, ít nhất 2 lần/ngày hoặc ngay sau khi ăn và trước khi đi ngủ vào buổi tối. Cần lưu ý đến chế độ ăn uống, cho trẻ ăn nhiều những thức ăn như trái cây, ngũ cốc, giảm những thức ăn nhiều đường. Nên hạn chế cho trẻ ăn vặt giữa các bữa chính để giảm làm tổn thương men răng; khi ăn vặt, cần chọn những thức ăn bổ dưỡng như phô mai, rau tươi, sữa chua không đường hay trái cây. Ngoài ra, các bậc phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra răng cho trẻ. Nếu phát hiện răng trẻ có những đốm đen thì cần đưa trẻ đến bác sĩ nha khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. Những trẻ có sức khỏe răng miệng tốt vẫn nên đến nha sĩ 1 lần/năm. Với những trẻ bị nhiều lỗ trám, lỗ sâu hay các vấn đề răng miệng khác, nên đến gặp nha sĩ ít nhất 6 tháng/lần.
Ngọc Phượng, Mạnh Hùng- CDC Quảng Ninh