Ung thư đại trực tràng (UTĐTT) là một bệnh lý thường gặp đứng thứ hai trong ung thư đường tiêu hoá sau ung thư dạ dày. Đây là loại ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới. Ung thư đại trực tràng tiến triển chậm và di căn muộn hơn so với các loại ung thư khác. Nếu phát hiện và mổ sớm khi ung thư chưa đến lớp thanh mạc thì tỷ lệ sống trên 5 năm tới 80% – 90%.
UTĐTT là ung thư xuất phát từ ruột già gây ra bởi sự phát triển bất thường của các tế bào, có khả năng xâm lấn hoặc lan rộng tới bộ phận khác của cơ thể. UTĐTT thường bắt đầu từ polyp được hình thành trong lòng đại trực tràng. Qua thời gian, các polyp này có thể tiến triển thành ung thư. Do đó, phát hiện và loại bỏ polyp là một trong những phương pháp giúp người bệnh phòng ngừa UTĐTT hiệu quả.
Theo thống kê của Globocan 2020, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới UTĐTT và hơn 8.200 ca tử vong vì căn bệnh này. UTĐTT thường xuất hiện ở độ tuổi trên 40. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh đang có xu hướng “trẻ hóa” với nhiều trường hợp nằm trong khoảng 18-20 tuổi. Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Ung Bướu 1, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ: “Có những bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng trẻ tuổi nhất mà tôi từng mổ mới có 21 tuổi, mà không phải phát hiện giai đoạn sớm, khi đến đã có hiện tượng tắc ruột.”.
UTĐTT tiến triển âm thầm với thời gian dài không có triệu chứng. Thông thường bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như là đau bụng, rối loạn tiêu hóa kéo dài, đại tiện ra máu, thay đổi thói quen đi đại tiện, rối loạn đại tiện, giảm cân bất thường.

Để chẩn đoán UTĐTT cần làm các xét nghiệm cận lâm sàng và nội soi đại trực tràng toàn bộ như: Xét nghiệm máu trong phân; Xét nghiệm các marker ung thư CEA, CA 19.9, CA 74….trong máu để định hướng cho nội soi đại trực tràng phát hiện sớm tổn thương ung thư; Siêu âm ổ bụng; Nội soi đại trực tràng ống mềm kết hợp sinh thiết; Chụp CT scanner, chụp MRI để phát hiện di căn đến các cơ quan xung quanh.
Hiện nay, nội soi là một trong những phương pháp tối ưu để chẩn đoán bệnh lý đại trực tràng. Tại Quảng Ninh có Bệnh viện Bãi Cháy với đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao và trang bị hệ thống nội soi hiện đại hàng đầu đã áp dụng các phương pháp chẩn đoán tiên tiến giúp phát hiện tổn thương từ giai đoạn rất sớm với độ nhạy, chính xác cao. Từ đó đưa ra các phương pháp điều trị ít xâm lấn và hiệu quả.

Bác sĩ CKI Nguyễn Trung Thành – Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Nội soi đại trực tràng là một trong những “kỹ thuật vàng” để sàng lọc, giúp phát hiện sớm UTĐTT với độ nhạy, độ đặc hiệu cao, làm giảm nguy cơ UTĐTT từ 53%-68%. Với phương pháp này, bác sĩ có thể quan sát được toàn bộ lòng trực tràng, khung đại tràng và một phần đoạn cuối hồi tràng, phát hiện được những tổn thương tiền ung thư, cụ thể là những tổn thương polyp, khối u, đánh giá những tổn thương, sinh thiết, cắt những polyp nguy cơ và polyp đang tiến triển ung thư hóa. Ung thư đại trực tràng được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ bệnh nhân sống sót trên 5 năm đạt khoảng 90%. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn thì khả năng điều trị khỏi hoàn toàn rất thấp và chi phí điều trị lớn”.
Sự hỗ trợ của hệ thống máy phẫu thuật nội soi giúp phẫu thuật viên quan sát rõ hơn cấu trúc giải phẫu mạch máu vùng tiểu khung, thao tác phẫu tích chuẩn xác hơn, bảo tồn thần kinh hệ tiết niệu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư trực tràng. Phẫu thuật nội soi ung thư trực tràng cũng đặc biệt hiệu quả với bệnh nhân béo phì, bệnh nhân có khung chậu hẹp, sâu.
Đa số bệnh nhân ung thư trực tràng đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư phát triển mạnh đã lan rộng, xâm lấn ra các vùng xung quanh, di căn vào hệ thống mạch máu, hạch bạch huyết và các cơ quan nên không chỉ điều trị bằng một mà phải kết hợp nhiều phương pháp theo nguyên tắc đa mô thức.
Ung thư đại trực tràng nguy hiểm nhưng chúng ta vẫn có thể chủ động phòng tránh bằng việc thay đổi lối sống lành mạnh, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và tầm soát ung thư định kỳ. Trong đó, việc tầm soát ung thư đại trực tràng cũng đóng vai trò quan trọng giúp phòng tránh và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Đối với những người không có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng nên bắt đầu sàng lọc ở lứa tuổi 50. Với những người có nguy cơ cao, như tiền sử gia đình có người bị chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng, nên bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn.
Ngọc Phượng, Mạnh Hùng – CDC QN