Nước sạch là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống hằng ngày và là một đòi hỏi bức bách trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện sinh hoạt cho người dân, đồng thời cũng là một trong những chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM). Chất lượng nước hiện nay đã được cải thiện tuy nhiên việc đảm bảo chất lượng nước thực sự “sạch” để sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các hộ gia đình.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho các hộ gia đình là nước máy. Dù là nguồn nước đã được xử lý trước khi đến với hộ dân, nhưng nhiều người vẫn còn e ngại cũng như không hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng nước mình sử dụng. Liệu nước máy có thật sự “sạch” hay chỉ là nước “hợp vệ sinh” để sử dụng.

Sử dụng nước sạch hiệu quả, tiết kiệm sẽ góp phần bảo vệ nguồn nước và bảo vệ sức khoẻ người sử dụng
Nếu chỉ nhìn mắt thường sẽ rất khó để đánh giá chất lượng nước. Trao đổi với chúng tôi, Ths. Bùi Thị Hương Thu – Khoa Sức khoẻ môi trường, Y tế trường học thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết:
“Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt ban hành kèm Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 12 năm 2018 thì “Nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người” còn Theo Quyết định số 4826/QĐ-BNN-TCTL ngày 7/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá Nước sạch nông thôn và tài liệu hướng dẫn triển khai, “Nước hợp vệ sinh là nước được sử dụng trực tiếp hoặc sau khi xử lý thỏa mãn các điều kiện sau: trong, không màu, không mùi, không vị”. Nước hợp vệ sinh chủ yếu đánh giá dựa vào cảm quan, không yêu cầu các chỉ tiêu xét nghiệm, trong khi đó Nước sạch là nước phải đảm bảo tất cả các chỉ tiêu không vượt quá giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-1:2018/BYT về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.”
Với những điều kiện trên, nước máy được coi là nước sạch đảm bảo cho sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Theo thống kê đến cuối năm 2021, Quảng Ninh có khoảng >240 đơn vị cấp nước ở tất cả các quy mô khác nhau; trong đó theo Quyết định số 299 của SNN&PTNT ngày 19/4/2022 thì hiện có 209 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Phối hợp với các TTYT trên địa bàn tỉnh, trong năm 2021, Trung tâm KSBT tỉnh đã tiến hành kiểm tra, giám sát và kiểm nghiệm 689 mẫu nước sinh hoạt, trong đó 673 mẫu đạt quy chuẩn, chiếm 97,68%.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế lấy mẫu nước kiểm nghiệm tại Nhà máy nước Yên Lập
Ở Việt Nam, do công nghệ xử lý nước còn nhiều hạn chế cộng thêm bể chứa và đường ống cung cấp nước tại hộ gia đình dùng lâu năm nên chất lượng nước máy dù “sạch” ở đầu ra của các đơn vị cấp nước nhưng khi sử dụng tại gia đình chất lượng nước lại chưa chắc đã đảm bảo. Để khắc phục tình trạng này, Ths Thu cho biết: “Trên thực tế, sau một thời gian sử dụng, bên trong bồn chứa, đường ống nước sẽ xuất hiện nhiều cặn bẩn, rong rêu, nước chảy xuống vòi có màu đục. Thậm chí, trong trường hợp bồn nước lâu ngày không được vệ sinh còn có thể xuất hiện bọ gậy, côn trùng, xung quanh bồn nước sờ qua có cảm giác nhớt, chính vì thế định kì khoảng 6 tháng /lần nên vệ sinh bể chứa, đường ống nước sinh hoạt. Một số bước cơ bản vệ sinh bể chứa như:
– Tháo nước khỏi bể, dùng bàn chải hoặc máy chà rửa cọ sạch các chất bẩn bám ở thành bể chứa nước. Sau đó tiến hành bơm nước mới vào bể chứa để dội trôi các chất bẩn vừa cọ. Làm liên tục đến khi màu của nước không còn đục nữa.
– Bơm nước vào đầy bể chứa, hòa dung dịch Javel, Cloramin B và Clorua vôi dạng bột vào bể chứa, dùng gậy khuấy đều cho tan trong nước. Đối với bể chứa nước dung tích lớn, có thể cấp nước khoảng 25% dung tích bể, hòa dung dịch khử trùng rồi tưới lên khắp thành bể. Đậy nắp bể chứa và chờ khoảng 3 – 4 tiếng để dung dịch có tác dụng khử trùng hoàn toàn. Xả toàn bộ lượng nước chứa hóa chất ra khỏi bể chứa, rửa sạch bể chứa từ 2 – 3 lần bằng nước sạch cho đến khi hết hẳn mùi của dung dịch tẩy rửa. Kiểm tra lại hệ thống cấp nước, máy bơm, phao và sau đó bơm lại nước vào bể chứa và sử dụng bình thường.
– Xả toàn bộ lượng nước chứa hóa chất ra khỏi bể chứa, rửa sạch bể chứa từ 2 – 3 lần bằng nước sạch cho đến khi hết hẳn mùi của dung dịch tẩy rửa. Kiểm tra lại hệ thống cấp nước, máy bơm, phao và sau đó bơm lại nước vào bể chứa và sử dụng bình thường. Tiến hành vệ sinh khu vực xung quanh bể chứa để đảm bảo nguồn nước sạch sẽ nhất.
Về vệ sinh đường ống: chúng ta súc rửa, vệ sinh đường ống bằng giấm hoặc baking soda, sử dụng dung dịch vệ sinh đường ống chuyên dụng, máy thông tắc lò xo, hoặc đơn giản nhất là xả đáy đường ống.
Lưu ý chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, bảo hộ, dụng cụ đảm bảo an toàn khi thực hiện thau rửa bể chứa; Ngắt hết các nguồn điện của hệ thống cấp nước như máy bơm, phao điện và mở nắp bể khoảng 1 giờ để thoát các khí độc lưu cữu lâu ngày trong bể”.
Bên cạnh việc vệ sinh bể chứa và đường ống nước sinh hoạt, khử trùng thường xuyên cũng giúp nâng cao hiệu quả “sạch” trong nước. Người dân có thể sử dụng các phương pháp thông dụng như đun sôi trước khi uống, khử trùng nước với Cloramin B theo nồng độ 10g/1m3 hoặc sử dụng máy lọc nước RO công nghệ cao. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, điều kiện kinh tế mà người dân có thể lựa chọn cho mình phương pháp hữu hiệu nhất trong việc xử lý nước máy nếu vẫn còn lo ngại về chất lượng “sạch” của nước tại gia đình mình.
Được sử dụng nước sạch là quyền lợi nhưng lựa chọn chất lượng và bảo vệ nguồn nước sạch lại là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Hãy sử dụng nguồn nước sạch hiệu quả và tiết kiệm để bảo vệ sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Thanh Nga (CDC)