Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Quảng Ninh vừa có Công văn số 377/TTKSBT-KSBTN về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại năm 2023, gửi Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong 02 tháng đầu năm 2023, toàn quốc ghi nhận 03 trường hợp tử vong do dại, giảm so với cùng kỳ năm 2022 (5 trường hợp). Tại Quảng Ninh tính đến ngày 28/02/2023 ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dại tại xã Quảng Đức, huyện Hải Hà.
Bệnh dại là bệnh nguy hiểm, thời gian ủ bệnh kéo dài, nguy cơ xuất hiện các ca bệnh dại trên địa bàn vẫn có thể xảy ra do người dân còn chủ quan chưa đi tiêm phòng sau khi bị chó mèo cắn, cũng như tập quán chăn thả chó mèo thả rông. Để đảm bảo công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh và chủ động các biện pháp phòng ngừa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các đơn vị thực hiện tốt các nội dung sau:

Người dân còn chủ quan chưa đi tiêm phòng sau khi bị chó mèo cắn, cũng như tập quán chăn thả chó mèo thả rông
1. Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố:
– Tăng cường giám sát và báo cáo theo hệ thống giám sát bệnh dựa vào sự kiện (EBS) để xử trí kịp thời các trường hợp: chó mèo nghi dại, chó mèo ốm cắn người, một con chó cắn từ 2 người trở lên trong vòng 10 ngày.
– Tăng cường công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại, cách xử lý khi bị súc vật nghi dại cắn. Hướng dẫn người dân bị chó cắn, mèo, động vật nghi dại cắn đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng. Đặc biệt, chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
– Tăng cường tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người: đảm bảo mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu một điểm tiêm phòng dại hoạt động. Thực hiện các chỉ tiêu được giao theo kế hoạch số 135/KH-TTKSBT ngày 19/01/2023 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
– Thực hiện tốt quy chế phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm kỹ thuật dịch vụ Nông nghiệp để nắm bắt tình hình dịch bệnh dại trên động vật, đặc biệt là các địa phương có ổ dịch cũ: Hải Hà, Móng Cái, Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Cẩm Phả.
– Lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi mắc bệnh dại trên người gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để chuyển Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm chẩn đoán.
2. Phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố:
– Tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng chống dịch địa phương triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại.
– Phối hợp với Trung tâm Y tế duy trì triển khai hệ thống hoạt động giám sát bệnh dựa vào sự kiện (EBS).
3. Các đơn vị điều trị:
– Chẩn đoán sớm, tích cực điều trị, chăm sóc và theo dõi bệnh nhân nghi dại.
– Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cần thiết để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.
– Lấy mẫu tất cả các trường hợp nghi dại trên người gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
– Thực hiện, báo cáo các ca bệnh nghi dại đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định./.
Thanh Nga (CDC)