Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là chủ trương được tỉnh Quảng Ninh và ngành Y tế hiện thực hóa bằng các đề án, nghị định, với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mang lại sự hài lòng, hiệu quả, công bằng cho cả người bệnh và nhân viên y tế. Cùng với chuyển đổi số trong toàn ngành Y tế, công tác phòng chống HIV/AIDS đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả giám sát người nhiễm và điều trị bệnh nhân HIV trên địa bàn.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những giải pháp đột phá cho sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng. Tại Quảng Ninh, chuyển đổi số đang được ngành Y tế triển khai mạnh mẽ và được các đơn vị trong ngành tích cực hưởng ứng, tham gia. Tính đến hết năm 2024, trên toàn tỉnh hiện có 19/21 đơn vị khám chữa bệnh ứng dụng thành công bệnh án điện tử/bệnh viện không giấy tờ.

Đồng chí Trịnh Văn Mạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế thẩm định triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
Trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giúp tối ưu hóa quá trình quản lý chuyên môn, giảm chi phí, tăng hiệu quả triển khai công việc. Cụ thể, các cơ sở dữ liệu số hóa sẽ giúp triển khai các hoạt động theo dõi, đánh giá, giám sát một cách hiệu quả, lưu trữ và quản lý thông tin về bệnh nhân, tiến trình điều trị, hỗ trợ phân tích dữ liệu lớn, giúp nhận biết xu hướng và đặc điểm của dịch.
Là đơn vị đầu mối trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã hướng dẫn, triển khai đồng bộ hoạt động chuyển đổi số thông qua các hệ thống quản lý người nhiễm và điều trị HIV/AIDS đến 11 cơ sở điều trị ARV, 12 phòng khám HIV/AIDS. Trực tiếp cài đặt, cấp tài khoản, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm HIV INFO phục vụ cho công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực HIV/AIDS cho 165/171 xã/phường (đạt 96,49%). Trong đó, hệ thống quản lý thông tin HIV/AIDS (HIV-INFO) giúp cho việc quản lý dữ liệu người nhiễm tập trung, giúp kết nối, tiếp cận và sử dụng dữ liệu một cách chuẩn xác và hiệu quả. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho công tác báo cáo, quản lý, giám sát dịch và đáp ứng y tế công cộng nhanh chóng. Đặc biệt, HIV-INFO đã liên thông dữ liệu với hệ thống quản lý thông tin điều trị ARV quốc gia để hỗ trợ giám sát dịch dựa trên thông tin theo thời gian của ca bệnh. Hệ thống HIV-INFO đã đáp ứng yêu cầu bước đầu trong quản lý thông tin các trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên toàn quốc, sử dụng dữ liệu trong báo cáo giám sát dịch và đáp ứng y tế công cộng.

Cán bộ khoa phòng, chống HIV/AIDS (CDC Quảng Ninh) quản lý người nhiễm HIV trên phần mềm HIV INFO
Ngoài ra, các cơ sở điều trị người nhiễm HIV/AIDS đều ứng dụng hệ thống thông tin quản lý điều trị khách hàng PrEP, quản lý bệnh nhân điều trị ARV và cung ứng thuốc bằng hệ thống phần mềm HMED. Hệ thống phân thành nhiều hệ thống con với chức năng riêng biệt như quản lý điều trị ARV, quản lý điều trị cho bệnh nhân HIV đồng nhiễm viêm gan C, quản lý và theo dõi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), theo dõi và quản lý HIV kháng thuốc, quản lý cung ứng và phân phối thuốc.

Cán bộ khoa phòng, chống HIV/AIDS CDC Quảng Ninh giám sát việc quản lý người bệnh qua phần mềm HMED tại phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát tệ nạn xã hội và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tiêm chích. Đặc biệt, hệ thống quản lý bệnh nhân điều trị nghiện chất bằng thuốc Methadone trên nền tảng số đã từng bước được thử nghiệm triển khai tại một số địa phương, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Việc áp dụng công nghệ trong theo dõi, đánh giá tiến trình điều trị không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế mà còn hỗ trợ cán bộ y tế kịp thời nắm bắt các dấu hiệu tái nghiện hoặc bỏ điều trị để có phương án can thiệp hiệu quả.
Mặc dù hệ thống này được đánh giá là một trong những mô hình thí điểm có triển vọng, mang tính đột phá trong việc quản lý người bệnh lâu dài, tuy nhiên, hiện nay chương trình thí điểm đã tạm dừng hoạt động do chưa được đầu tư đầy đủ và chưa có hướng dẫn triển khai chính thức từ Trung ương. Trong thời gian tới, việc xây dựng lại một hệ thống quản lý đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông giữa các cơ sở điều trị Methadone trên toàn tỉnh là vô cùng cần thiết. Đây sẽ là bước đi chiến lược để hướng tới một hệ thống điều trị bền vững, kiểm soát hiệu quả tình trạng nghiện chất, từ đó góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV mới qua đường tiêm chích.
Song song với đó, Quảng Ninh cũng đang từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, theo dõi và điều trị HIV/AIDS, góp phần hiện đại hóa hoạt động y tế dự phòng và tăng cường năng lực đáp ứng dịch bệnh. Những bước tiến trong chuyển đổi số này đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc toàn diện cho người nhiễm HIV, từ chẩn đoán, xét nghiệm, theo dõi tải lượng virus, đến quản lý cấp phát thuốc ARV, tất cả đều được thực hiện trên nền tảng số với sự hỗ trợ của các hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm chuyên dụng.
Tính đến hết tháng 3/2025, toàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 5.826 người nhiễm HIV còn sống. Trong số đó, có 5.147 bệnh nhân đang được điều trị thuốc ARV, chiếm tỷ lệ 88,3%. Đây là một con số cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành Y tế Quảng Ninh trong việc duy trì tỷ lệ bao phủ điều trị ARV cao, đảm bảo người bệnh được sống khỏe mạnh, kiểm soát tốt tải lượng virus và ngăn ngừa nguy cơ lây truyền sang cộng đồng. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ số, tất cả các bệnh nhân HIV đang điều trị đều được quản lý tập trung trên nền tảng thông tin số hóa, tích hợp dữ liệu về quá trình điều trị, kết quả xét nghiệm, lịch tái khám và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Đây là một bước tiến quan trọng, giúp cán bộ y tế dễ dàng theo dõi diễn biến sức khỏe của người bệnh, nâng cao hiệu quả điều trị lâu dài.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai chương trình chuyển đổi số toàn diện trong công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2025–2030 theo định hướng và mục tiêu của Bộ Y tế. Trọng tâm là phát triển, hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin HIV/AIDS đồng bộ từ tuyến tỉnh đến cơ sở, bảo đảm tính liên thông, bảo mật và hỗ trợ ra quyết định chính sách. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), và hệ thống cảnh báo sớm để chủ động giám sát dịch tễ học HIV trong cộng đồng.
Hoàng Yến (CDC Quảng Ninh)