Trước thông tin bệnh viêm gan “bí ẩn” xuất hiện tại các nước trên trên thế giới, nhiều phụ huynh quá hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, phụ huynh không nên quá lo lắng khi chưa thấy con mắc các biểu hiện của bệnh viêm gan.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay, có ít nhất 348 trẻ mắc viêm gan “bí ẩn” tại 23 quốc gia, bệnh đã xuất hiện ở Đông Nam Á, tại Indonesia đã ghi nhận 5 ca tử vong. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu nguyên nhân gây viêm gan “bí ẩn”, tuy nhiên, các xét nghiệm trong tuần qua xác nhận khoảng 70% số ca mắc dương tính với Adenovirus, cụ thể là chủng phụ 41, liên quan đến chứng viêm dạ dày ruột. Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm viêm gan “bí ẩn”, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập hoàn toàn có thể xảy ra.

Bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác trong khi số ca bệnh đang không ngừng tăng cao tại nhiều quốc gia.
Đến nay, Việt Nam chưa xuất hiện chùm ca bệnh hay tình trạng ca bệnh điển hình. Nhưng rất khó để dự đoán, khả năng virus gây bệnh viêm gan du nhập vào nước ta vẫn ở mức cao nên phải luôn cảnh giác với tình hình dịch cũng như cập nhật các ca bệnh liên quan trên thế giới.
Kể từ khi WHO thông báo về căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, Ngành y tế luôn theo dõi sát tình hình, kịp thời có văn bản gửi các đơn vị liên quan về tăng cường giám sát, triển khai các biện pháp phòng dịch, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm gan cấp tính nghi ngờ ở trẻ em. Sở Y tế cũng giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối, theo dõi tình hình, báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp xảy ra tại Quảng Ninh nhằm hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tử vong.

Số lượng trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tăng cao nhưng chủ yếu là các bệnh về đường tiêu hoá (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Từ những thống kê các ca bệnh đã được ghi nhận thời gian qua trên thế giới, triệu chứng khởi phát của trẻ em khi mắc bệnh viêm gan “bí ẩn” là tình trạng sốt nhẹ, nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và sau đó nhanh chóng diễn biến thành suy gan. Biểu hiện sớm của tình trạng suy gan là chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, đi tiểu sẫm màu. Trường hợp nặng hơn có thể xảy ra tình trạng lơ mơ hoặc hôn mê. Các xét nghiệm có thể cung cấp các chỉ số phản ánh sớm tình trạng tổn thương tế bào gan như tăng men gan hay suy giảm các chức năng của gan. Tình trạng sốt nhẹ, nôn, tiêu chảy có thể do nhiều căn nguyên khác nhau gây ra, trong đó có cả những nguyên nhân nguy hiểm cần cấp cứu ngay như xoắn ruột, lồng ruột hay tả, lỵ. Vì thế khi trẻ xuất hiện các triệu nôn, đau bụng, tiêu chảy nhiều, cha mẹ cần theo dõi sát và đưa đến cơ sở y tế khám để xác định nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị.
Theo ghi nhận, trong những tháng gần đây số trẻ nhập viện với các biểu hiện ban đầu như nôn, đau bụng, sốt, tiêu chảy tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tăng cao. Nhiều cha mẹ lo ngại dấu hiệu có liên quan đến căn bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ. Tuy nhiên sau thăm khám, làm các xét nghiệm và chẩn đoán, các bác sĩ cho biết đây là dấu hiệu của bệnh lý theo mùa. Khi thời tiết thay đổi, các loại vi khuẩn, virus gây bệnh dễ phát triển kèm theo sức đề kháng yếu khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường tiêu hoá. Do đó cha mẹ cũng không nên quá hoang mang, cần bình tĩnh và lưu ý đánh giá mức độ trầm trọng của tình trạng bệnh ở trẻ, theo dõi sát các dấu hiệu chán ăn, hay quấy khóc, mệt lờ đờ bỏ chơi để đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám kịp thời. Các xét nghiệm men gan để sàng lọc chỉ cần thực hiện ở các đối tượng có yếu tố khiến bác sĩ thấy cần chỉ định; không phải trẻ nào tiêu chảy, nôn cũng phải thực hiện đồng loạt xét nghiệm men gan, chức năng gan vì không cần thiết, gây tốn kém.
Để phòng bệnh viêm gan “bí ẩn”, khuyến cáo các bậc phụ huynh cần lưu ý tuân thủ các nguyên tắc thực hiện vệ sinh cá nhân có thể là nguồn lây bệnh cho trẻ như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi; thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống, vệ sinh đồ dùng cá nhân; đảm bảo nguồn nước sạch và xử lý tốt chất thải của bệnh nhân, vì đó có thể là đường lây truyền. Tại trường học cũng cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ như đảm bảo vệ sinh, dùng riêng đồ dùng cá nhân, lau chùi thường xuyên các vật dụng, bề mặt tiếp xúc, đồ chơi…
Theo nghiên cứu của WHO, CDC Mỹ ở nhóm trẻ viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, các ca bệnh thường trong độ tuổi từ 0 – 16 tuổi. Tuy nhiên, nhóm trẻ mắc bệnh nhiều hơn là nhóm dưới 10 tuổi. Viêm gan không rõ nguyên nhân đang tăng nhanh số ca mắc và số ca nhập viện. Theo báo cáo của WHO, đến nay có ít nhất 9 trẻ tử vong; phần lớn trẻ mắc phải nhập viện nhưng hầu hết phục hồi hoàn toàn, một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% phải ghép gan, trong đó tại Mỹ con số này là 14%. |
Thanh Nga (Tổng hợp)