Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, nắng mưa liên tục, không khí nóng ẩm. Đây là điều kiện lý tưởng cho nấm mốc và các vi khuẩn gây các bệnh đường tiêu hóa phát triển mạnh. Các loại vi khuẩn này sau khi xâm nhập vào cơ thể làm nhiễm khuẩn đường ruột, dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Trong thời gian qua tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng với nhiệt độ cao, có nơi lên trên 40 độ C. Nắng nóng trên diện rộng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu như bệnh tim, hô hấp, tiêu chảy do nhiệt độ tăng quá cao.
Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở. Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng như bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt vi-rút…), việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy).
Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút… cũng có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, nắng nóng kéo dài có thể gây hạn hán, thiếu nước sạch sinh hoạt làm các bệnh dịch càng dễ phát triển trong khi sức đề kháng của cơ thể kém đi do thiếu nước sạch…
Cháu Nguyễn Trung Kiên, 13 tháng tuổi, xã Hải Lạng, Huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, vào viện trong tình trạng nôn nhiều, kèm với đi ngoài phân lỏng như nước. Chị Nguyễn Thị Oanh, mẹ của cháu Kiên chia sẻ: “Cháu đang ở độ tuổi tập ăn dặm thì lại trùng vào thời điểm nắng nóng, do đó trong quá trình chăm sóc có thể do chế biến thức ăn hoặc chưa vệ sinh tay sạch sẽ nên cháu bị bệnh tiêu chảy cấp. Sau hai ngày điều trị cháu đã đỡ hơn nhiều”.
Chị Nguyễn Thị Lành, TP Hạ Long đưa con vào điều trị tại bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng bệnh trở nặng, chị Lành bộc bạch: “Ở nhà thấy cháu đi ngoài nhiều lần, tôi đã mua thuốc về cho cháu uống, nhưng uống vào không khỏi mà cháu lại càng đi ngoài nhiều lần hơn và trong phân có lẫn máu, không chịu ăn, ngủ li bì. Tôi đã đưa cháu vào viện, sau điều trị 4 ngày sức khỏe đã được tốt hơn”.
Bs.CKII Trần Nhị Hà – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Mùa hè, nhiệt độ cao tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virut dễ xâm nhập qua đường thức ăn, đồ uống gây bệnh cho con người. Tất cả mọi người đều có thể mắc bệnh nhưng một số đối tượng dễ mắc là trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa, chủ yếu là đường phân – miệng qua thức ăn và nước uống bị nhiễm khuẩn; do không rửa tay, vệ sinh dụng cụ chế biến thức ăn; do không bảo quản thức ăn đúng cách (ruồi nhặng bâu đậu, thức ăn để lâu, để ở nhiệt độ không đúng quy định)

Bs.CKII Trần Nhị Hà – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khám bệnh cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tiêu chảy ở trẻ em nhưng có một số nguyên nhân thường gặp nhất sau đây:
Tiêu chảy do vi khuẩn: Trong trường hợp này thường do ngộ độc thức ăn, nhất là mùa hè do thời tiết nóng bức nên uống nước lã, nước đá không được sát khuẩn, thức ăn ôi thiu, thức ăn để nhiều giờ, nhiều ngày sau khi đã đun chín, ăn rau sống… Điển hình trong các loại vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn là vi khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn thương hàn (salmonella), vi khuẩn lỵ (shigella), vi khuẩn E.coli và đặc biệt là vi khuẩn tả (vibrio cholerae) gây bệnh tiêu chảy cấp tính nặng, mang tính chất rất nguy kịch có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là trẻ em. Gần đây người ta phát hiện ra vi khuẩn campylobacter cũng có khả năng gây tiêu chảy.
Tiêu chảy do vi rút: Trong các loại vi rút đường ruột thì điển hình và hay gặp nhất là Rota vi rút. Có đến trên 60% tiêu chảy ở trẻ em là do vi rút này gây ra.
Tiêu chảy do ký sinh trùng: Hay gặp nhất là loại tiêu chảy do lỵ amip, sau đó là do một số loài giun. Trong các loài giun hay gặp nhất trong bệnh gây tiêu chảy là giun đũa, giun kim. Ngoài ra, một số loại nấm cũng có thể gây bệnh tiêu chảy, điển hình là nấm candida albicans.
Ngoài ra, bệnh tiêu chảy còn có thể gặp do độc tố hoặc do chế độ ăn uống không hợp lý hay dùng thuốc kháng sinh đường ruột kéo dài, không đúng chỉ định của bác sĩ gây nên hiện tượng loạn khuẩn.
Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn, bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.
Người ta phân thành 2 loại tiêu chảy: tiêu chảy cấp tính và tiêu chảy mạn tính.
Tiêu chảy cấp tính
Một số triệu chứng chính của bệnh: Nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa thường có những triệu chứng như: Đầy bụng, sôi bụng; tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả: phân toàn nước đục như nước vo gạo); nôn, lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt; người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh… và có thể dẫn đến tử vong.
Tiêu chảy mạn tính:
Tiêu chảy mạn tính ở trẻ thường liên quan đến chế độ ăn uống không hợp lý, nhất là mùa nắng nóng. Tiêu chảy mạn tính có thể xảy ra trong nhiều ngày, nhiều tháng, có khi lâu hơn. Số lần đi tiêu không nhiều như cấp tính nhưng do tiêu chảy kéo dài nên làm cho người bệnh ở trong tình trạng mất nước, chất điện giải triền miên, làm cho cơ thể suy sụp, ở trẻ rất dễ dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng nặng, làm giảm chức năng sinh miễn dịch rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác và dễ đưa đến tử vong.
Nguyên tắc điều trị và phòng bệnh tiêu chảy
Nguyên tắc điều trị
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định và có hướng xử lý kịp thời. Lý tưởng nhất là tìm ra nguyên nhân gây tiêu chảy để giải quyết triệt để. Nếu không phải do vi khuẩn thì cần bù nước và chất điện giải như oresol, nếu trẻ còn bú mẹ thì tiếp tục cho bú mẹ, tiếp tục cho chế độ ăn bổ sung bình thường như: súp cà rốt, nước quả hồng xiêm xay, nước chuối chín xay. Nếu không có oresol thì cho trẻ uống nước gạo rang, nước cháo có muối… Không dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Nếu nghi ngờ do vi khuẩn tả thì việc bù nước và chất điện giải phải hết sức khẩn trương, kịp thời không được chậm trễ. Nếu tiêu chảy do vi khuẩn hoặc do lỵ amip thì cần có chỉ định cụ thể của bác sĩ điều trị dùng thuốc gì, liều lượng ra sao, dùng trong bao nhiêu ngày, không nên nghe theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn.
Những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh tiêu chảy: Những người ăn uống và sống gần với người bị tiêu chảy dễ mắc bệnh nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh; dân cư tại những khu vực sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, đổ thẳng phân ra cống, mương, ao, hồ, sông, suối…; sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm; có tập quán ăn uống không hợp vệ sinh, hay ăn rau sống, thủy hải sản chưa nấu chín kỹ; sử dụng phân tươi hoặc phân chưa được xử lý đảm bảo vệ sinh trong trồng trọt; dân cư tại khu vực bị ngập lụt và sau ngập lụt…
Phòng bệnh tiêu chảy
Để chủ động phòng bệnh tiêu chảy vào mùa nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.
Các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt; nếu chỉ sử dụng ngay sau một thời gian ngắn thì đậy lồng bàn, để nơi mát, thoáng gió; nếu muốn để lâu (vài tiếng trở lên) thì phải cho vào tủ lạnh, lưu ý tủ lạnh phải để ở mức độ đủ lạnh cần thiết.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng giúp phòng tránh bệnh tiêu chảy
Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao cần được phòng bệnh bằng vắc xin (tả, thương hàn, lỵ, Rota vi rút). Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh tiêu chảy hiệu quả nhất.
Hoàng Yến – CDC Quảng Ninh