Thời gian qua khoa Tâm Thần kinh – Cơ xương khớp, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận liên tiếp 2 trường hợp người bệnh vào viện vì đau sưng nóng đỏ khớp gối, vùng đùi, cẳng chân và được chẩn đoán: Nhiễm khuẩn khớp gối/Viêm tấy lan tỏavùng đùi và cẳng chân. Các trường hợp này đều phải kết hợp điều trị nội và ngoại khoa rất phức tạp.
Hai trường hợp người bệnh đều có tiền sử đau nhức khớp gối nhưng không đi khám chuyên khoa cơ xương khớp mà lại tự đến các cơ sở tiêm khớp không đúng quy định. Sau tiêm xuất hiện sưng nóng đỏ đau vùng khớp gối lan tỏa lên đùi và cẳng chân, hạn chế đi lại do đau. Người bệnh chủ quan không khám lại ngay tại cơ sở y tế, chỉ đến khi đau nhức nhiều không tự đi lại được mới đến nhập viện điều trị.


Người bệnh nữ B.T.H., 54 tuổi, địa chỉ Hà An – Quảng Yên – Quảng Ninh sau điều trị kháng sinh và can thiệp ngoại khoa hiện tại tình trạng đã đỡ sưng đau khớp, toàn trạng ổn định hơn.

Hình ảnh khớp gối nhiễm khuẩn của người bệnh nữĐ.T.H., 56 tuổi, địa chỉ Gia Minh- Thủy Nguyên – Hải Phòng. Người bệnh hiện đang điều trị nội khoa.
Qua đây các bác sĩ Bệnh viện khuyến cáo người dân: Tiêm khớp – tiêm gân, không phải ai đau khớp là cũng có thể tiêm. Đây là một chỉ định thủ thuật được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa. Thuốc tiêm khớp – tiêm gân ngoài huyết tương giàu tiểu cầu tự thân và 1 số chế phẩm khác, thường được sử dụng thuốc kháng viêm corticoid, là thuốc kháng viêm mạnh. Chỉ định tiêm khớp – tiêm gân rất nghiêm ngặt, phải thực hiện đúng kỹ thuật, đúng loại thuốc tiêm, đảm bảo vô trùng tuyệt đối…
Khi nào thì đau cơ xương khớp có chỉ định tiêm?
– Các bệnh lý xương khớp có tổn thương viêm màng hoạt dịch không do nhiễm khuẩn: viêm khớp dạng thấp, viêm khớp mạn tính thiếu niên…
– Viêm bao thanh dịch, viêm khớp do gút, viêm khớp phản ứng.
– Viêm điểm bám gân ở khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay…
– Thoái hóa khớp giai đoạn sớm.
Các trường hợp chống chỉ định của tiêm khớp – tiêm gân như:
– Viêm khớp nhiễm khuẩn: viêm khớp mủ, lao khớp.
– Có nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm trùng da hoặc gần vị trí tiêm, viêm mô tế bào, áp-xe, nấm, vùng da của người bệnh nóng đỏ do mới đắp thuốc…
– Tổn thương khớp do bệnh lý thần kinh, bệnh máu.
– Người bệnh đã thay khớp nhân tạo.
– Bị chấn thương khớp hoặc loãng xương tại chỗ.
– Cơ địa suy giảm miễn dịch.
Thận trọng với người bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường, người đang sử dụng thuốc chống đông hoặc có rối loạn đông máu, tăng huyết áp.
Thủ thuật tiêm khớp – tiêm gân khá phức tạp và nguy cơ nhiễm trùng khớp cao. Nếu lạm dụng và tiêm không đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như: Nhiễm trùng khớp, hoại tử xương, thủng gân, teo da, teo cơ, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng trong tim… Do đó, chỉ định tiêm cần rất thận trọng, cân nhắc giữa lợi và hại, cần được bác sĩ chuyên khoa xương khớp chỉ định và thực hiện tại phòng thủ thuật vô khuẩn tuyệt đối.
Hiện nay, nhiều người coi việc tiêm trực tiếp vào khớp như biện pháp chữa đau khớp đặc biệt hiệu quả và ít tốn kém. Song, một phần do người bệnh chủ quan, tiêm khớp ở những cơ sở không được cấp phép, bởi những người không được đào tạo bài bản về các nguyên tắc kiểm soát nhiễm khuẩn. Khiến không ít trường hợpchỉ sau vài ngày tiêm đã bị biến chứng nhiễm trùng khớp.
Khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh đau xương khớp bạn hãy tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời. Để được tư vấn các bệnh lý về xương khớp, người dân có thể liên hệ theo số điện thoại 0387.637.009 hoặc 02036.507.237.
(BVVNTĐUB)