Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý lữ hành đón và phục vụ khách du lịch qua cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, ngày 7/6/2023, Sở Y tế Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 2277/SYT-NVY triển khai tăng cường công tác phòng, chống dịch phục vụ khách du lịch tới các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc đã thực hiện chính sách mở lại các hoạt động cho công dân Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, hoạt động lữ hành đón khách du lịch qua cửa khẩu Quốc tế Móng Cái vào Việt Nam bước đầu đã có những khởi sắc tích cực. Dự báo trong thời gian tới, lượng khách du lịch tiếp tục tăng cao, tuy nhiên, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuất hiện và lây lan dịch bệnh, bên cạnh đó, để phục vụ lượng khách tăng mạnh, nhiều nhà hàng, quán ăn có nguy cơ không đảm bảo tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế thực hiện một số nội dung sau:
1. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế
– Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch y tế trên người theo hướng dẫn tại Nghị định 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ và Công văn số 735/SYT-NVY ngày 28/2/2023 của Sở Y tế. Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh tại các quốc gia lân cận, các quốc gia thường xuyên nhập cảnh, trao đổi hàng hóa để kịp thời báo cáo, tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp tại khu vực cửa khẩu. Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng liên ngành tại khu vực cửa khẩu tăng cường công tác truyền thông và đáp ứng, xử lý dịch đúng quy định. Đảm bảo sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại cửa khẩu, khu vực lưu thông người và hàng hoá giữa các nước
2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
– Tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Hướng dẫn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh phục vụ các hoạt động du lịch, đặc biệt tại các cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ, phục vụ khách. Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh trong các hoạt động du lịch. Sẵn sàng sinh phẩm lấy mẫu, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ phát hiện, chẩn đoán, xử lý dịch theo đúng quy định. Thường xuyên theo dõi, đánh giá nguy cơ dịch bệnh, kịp thời báo cáo, tham mưu biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho Sở Y tế, UBND tỉnh.
3. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm
– Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh, kiểm tra các đơn vị, cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt tại các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, phục vụ khách du lịch. Tăng cường các hoạt động truyền thông về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao nhận thức của người dân, khách du lịch về sử dụng thực phẩm đảm bảo vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng. Phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các cơ sở điều trị trong công tác báo cáo, chẩn đoán, xử lý các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm do các tác nhân gây dịch.
4. Trung tâm Y tế các địa phương
– Tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng, cơ sở điều trị. Tổ chức giám sát véc tơ, giám sát công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú; đánh giá tình hình dịch để làm cơ sở đề xuất các giải pháp phòng chống dịch. Thực hiện khoanh vùng xử lý ổ dịch theo quy định. Tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại địa phương phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa của địa phương, đặc biệt tại các địa phương, các khu vực tập trung nhiều các hoạt động du lịch. Rà soát, đảm bảo thuốc, vật tư, hóa chất, chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng kịp thời với tình hình dịch bệnh tại địa phương. Tăng cường thực hiện hoạt động giám sát bệnh dựa vào sự kiện (EBS) và thực hiện nghiêm công tác thống kê, báo cáo theo hướng dẫn tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
5. Các đơn vị điều trị
– Tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân. Rà soát, điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại, phân tuyến bệnh nhân phù hợp; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế lây nhiễm chéo, hạn chế tối đa ca bệnh nặng và tử vong do dịch bệnh. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư cần thiết cho công tác thu đung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân. Hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới trong công tác phân loại, phân tuyến bệnh nhân, không để xảy ra tình trạng quá tải…
6. Phòng Y tế các địa phương
– Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ, các cơ sở kinh doanh, cung cấp dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Đặc biệt tại các khu vực tập trung nhiều khách du lịch. Phối hợp với Trung tâm Y tế triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý ổ dịch trên địa bàn (nếu có). Kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất kinh phí, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề nghị Sở Du lịch, Trung tâm Truyền thông tỉnh và Uỷ ban nhân dân các địa phương chủ động trong công tác phối hợp, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động liên quan trên địa bàn. Kịp thời phát hiện sai phạm để xử lí theo đúng quy định.
Thanh Nga (CDC)