Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Ninh ghi nhận 79 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 74 ca dương tính tại 09/13 huyện/thị xã/thành phố. Hạ Long là địa phương có số mắc cao nhất với 52 ca, chiếm 65,8% tổng số ca mắc. Dự báo thời gian tới số ca mắc có thể tiếp tục tăng lên do đang vào đợt giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, thích hợp cho muỗi gây bệnh phát triển.

Muỗi là nguyên nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết ở người
Thời gian qua, cả nước đã ghi nhận hơn 20.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 03 trường hợp tử vong. Mặc dù chưa đến mùa dịch nhưng miền Bắc đã ghi nhận 431 ca mắc, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hiện số ca mắc đang có chiều hướng tiếp tục gia tăng tại Hà Nội và một số tỉnh thành lân cận.
Tại Quảng Ninh, số trường hợp mắc vẫn tiếp tục tăng, nguyên nhân chính là do diễn biến thất thường của thời tiết tạo môi trường thuận lợi cho vật trung gian truyền bệnh – muỗi vằn phát triển. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan, thờ ơ của một bộ phận không nhỏ người dân khiến căn bệnh nguy hiểm này luôn rất khó kiểm soát. Để nhanh chóng đẩy lùi và kiểm soát được bệnh sốt xuất huyết thì ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, chính quyền địa phương thì sự chung tay của người dân, mỗi gia đình là vô cùng cần thiết.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh
Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế Quảng Ninh đã có công văn chỉ đạo các đơn vị Y tế trên toàn tỉnh về việc đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH, trong đó chú trọng tuyên truyền vận động người dân thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh, diệt bọ gậy (loăng quăng), phun thuốc diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh môi trường xung quanh nhà, tránh muỗi sinh nở và phát triển; Tập trung vào phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm, khám và chữa bệnh tại cơ sở y tế; Yêu cầu người dân khi có dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời, không tự điều trị tại nhà…

Tham gia phun diệt tại những khu vực có nguy cơ cao lây truyền bệnh
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Muỗi đốt vào ban ngày từ 5-8h sáng và buổi chiều tối. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 – 7 ngày và có thể có các dấu hiệu đó là: có chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn. Da xung huyết, phát ban. Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Bệnh nhân chuyển nặng khi có thêm các dấu hiệu như: Vật vã, lừ đừ, li bì. Đau bụng vùng gan. Xuất huyết niêm mạc, xuất huyết não, suy đa tạng. Cần phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng để điều trị kịp thời, tránh tử vong.
Điều đáng chú ý hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh vì vậy ngành y tế đang tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn hiện kịch bản và kế hoạch phòng chống SXH, chủ động cho công tác giám sát phát hiện xử lý theo từng tình huống cụ thể; dự phòng, chuẩn bị đầy đủ sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch khi cần thiết.
Sốt xuất huyết có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn nhưng trẻ em là đối tượng cần được quan tâm do có nguy cơ cao hơn. Thân nhiệt của trẻ thường cao hơn người lớn, hay ra nhiều mồ hôi, khiến muỗi dễ phát hiện và đốt, bên cạnh đó trẻ cũng chưa có ý thức phòng muỗi đốt, sức đề kháng kém nên trẻ dễ bị mắc bệnh hơn.

Tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho người dân
Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, khuyến cáo người dân cần giữ gìn vệ sinh xung quanh, giữ gìn vệ sinh môi trường sống; Thu gom, tiêu hủy những vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà; Không tích trữ nước trong nhà, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh xung quanh nhà; Ngủ màn để tránh bị muỗi đốt; Đốt nhang muỗi, dùng vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi để tiêu diệt muỗi vằn; Sử dụng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi ở vị trí các ô thoáng, cửa sổ, cửa ra vào; Sử dụng thuốc bôi ngoài da, mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt; Người mắc bệnh sốt xuất huyết cần được nằm ngủ trong màn, tránh muỗi đốt lây bệnh sang người khác.
Bệnh SXH nếu không kịp thời phòng, chống, phát hiện sớm, xử lý triệt để, ổ dịch sẽ lây lan ra diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, vì vậy người dân cần chủ động, tự giác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, vì sức khỏe của bản thân, của mỗi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.
Mạnh Hùng (CDC)