Năm 2021 tiếp tục là một năm đầy khó khăn và thách thức khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Là tuyến đầu chống dịch, mỗi cán bộ, nhân viên y tế, y bác sỹ trong ngành y tế Quảng Ninh luôn ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Toàn ngành quán triệt thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra tai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cơ quan Sở Y tế lần 22, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch vừa chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại BV đa khoa tỉnh quảng Ninh
Chống dịch với phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”
Năm 2021 phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của ngành y tế Quảng Ninh. Đặc biệt, với vai trò tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch, ngành đã tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương kịp thời xây dựng, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở – là “chìa khóa” để Quảng Ninh giữ vững địa bàn “An toàn – Ổn định – Phát triển trong trạng thái bình thường mới” qua 4 đợt dịch, tạo nền tảng rất căn bản để thực hiện thành công chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại TX Đông Triều trong đợt dịch lần thứ 3.
Vào thời điểm tháng 1/2021, Quảng Ninh chính thức bước vào đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3. Chỉ trong vòng 2 tuần toàn tỉnh ghi nhận 57 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 5 địa phương. Để kịp thời ứng phó với tình hình dịch, Ngành Y tế đã phân công một đồng chí Phó giám đốc sở cùng lãnh đạo, cán bộ CDC xuống tâm dịch thị xã Đông Triều trực tiếp chỉ đạo điều hành công tác phòng chống dịch. Song song với đó là xuất hiện ổ dịch tại Sân Bay Vân Đồn với hàng chục ca F0. Trước những diễn biến hết sức phức tạp đó, Sở Y tế đã ngay lập tức giao cho CDC tổ chức đào tạo tập huấn cho hàng nghìn cán bộ nhân viên y tế để tham gia điều tra, truy vết lấy mẫu, xét nghiệm để hỗ trợ thị xã Đông Triều, huyện Vân Đồn và các địa phương khác. Bên cạnh đo, nhằm đáp ứng việc thu dung, điều trị và cách ly bệnh nhân mắc Covid -19, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh thành lập Bệnh viện số 3 trên cơ sở Bệnh viện đa khoa Hạ Long, TP Hạ Long có quy mô 250 giường bệnh, kịp thời sàng lọc, thu dung, cách ly, điều trị các trường hợp là ca bệnh nghi ngờ, các bệnh xác định mức độ nhẹ, trung bình; các đối tượng cách ly ngoài cơ sở y tế (F1, F2, F3) có bệnh lý khác cần điều trị.

Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ cấp tỉnh phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo điều hành Ngành Y tế ngay khi phát hiện ca bệnh mới tại TX Đông Triều và Sân bay Vân Đồn trong đêm 29/01/2021

Đồng Chí Nguyễn Trọng Diện – Giám đốc Sở Y tế chủ trì cuộc họp trực tuyến đến hệ thống y tế trong tỉnh về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 khi tỉnh Quảng Ninh đang diễn biến phức tạp tại đợt dịch thứ 3
Với sự quyết tâm cao độ, Quảng Ninh đã ngăn chặn được đà lây lan nhanh và cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 chỉ trong vòng 1 tuần cao điểm thần tốc. Có được kết quả đó, cùng với sự chỉ đạo đúng hướng, quyết liệt của tỉnh, sự đồng lòng của người dân, ngành y tế Quảng Ninh luôn vững vàng ở vị trí đi đầu, phát huy vai trò nòng cốt trong việc kiểm soát tốt dịch COVID-19.

Đồng chí Ninh Văn Chủ – Giám đốc CDC Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo các cán bộ Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong công tác điều tra truy vết khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới đêm ngày 29/01/2021.
Chuyển trạng thái từ “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Khi chuyển từ chiến lược “Zero F0” sang thực hiện chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu, sẵn sàng và nhanh chóng, kịp thời, vững vàng chuyển trạng thái. Tỉnh đã ban hành Chỉ thị 18-CT/TU mang tầm chiến lược và cụ thể hóa Nghị quyết 128-NQ/CP của Chính phủ và kết luận hội nghị Trung ương 4, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Chủ động, lường trước, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ cơ sở, tỉnh khẩn trương, kịp thời chuyển đổi trạng thái từ phòng ngừa, ngăn chặn sang tiến công dập dịch khi chỉ mới xuất hiện ca bệnh, với tinh thần “xét nghiệm phải nhanh nhất, truy vết phải thần tốc và triệt để”, không bỏ sót F1, không bỏ sót các mốc dịch tễ F0, kiên quyết dập tắt dịch bệnh, không để lây lan ra cộng đồng.

Phòng xét nghiệm CDC Quảng Ninh luôn “sáng đèn” 24/24 giờ trong suốt đợt dịch Covid-19, phục vụ việc xét nghiệm Covid-19 để đưa kết quả nhanh và chính xác nhất.
Bắt đầu từ đầu tháng 11 đến hết tháng 12/2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận hơn1000 ca F0 ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Mặc dù, đã có thời điểm số ca F0 trong cộng đồng liên tục tăng và xuất hiện các ổ dịch, nhưng với sự chỉ đạo của Sở Y tế, sự tham mưu của CDC Quảng Ninh cũng như tinh thần xung kích của toàn bộ nhân viên ngành Y tế tế từ tỉnh đến cơ sở nên dịch bệnh vẫn luôn trong tầm kiểm soát.
Nhanh chóng củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, Ngành Y tế đã tham mưu cho tỉnh áp dụng tổ chức quản lý, chăm sóc, điều trị người mắc Covid: theo phương châm tại chỗ, phân tầng, theo cấp độ dịch, bao gồm: Tổ chức điều trị tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và huyện; Tổ chức điều trị tại các khu điều trị tập trung ngoài cộng đồng; Tổ chức điều trị tại nhà/ nơi lưu trú. Riêng việc tổ chức cách ly điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, tại cơ sở thu dung quản lý, điều trị F0 do địa phương quản lý là cách làm rất mới và hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng là địa phương đưa vào triển khai có hiệu quả hướng dẫn phục hồi chức năng trong điều trị bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ và trung bình.

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Số 2
Đồng thời, ngành Y tế đã đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà. cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân.
Để đáp ứng công tác phòng chống dịch, ngành đã tổ chức đào tạo tấp cho trên 17.957 người với 516 lớp tập huấn. Trong đó, Sở Y tế đã tổ chức đào tạo 200 giảng viên tuyến huyện về quản lý, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà. Đồng thời chỉ đạo các bệnh viện, TTYT tuyến huyện chủ động đào tạo bổ sung thêm cán bộ lấy mẫu và nâng cao năng lực chuyên môn điều trị bệnh nhân F0 tại nhà; ban hành sổ tay hướng dẫn, điều trị F0 tại nhà hoặc nơi cư trú. Phối hợp với các địa phương, tổ chức đào tạo, huấn luyện kiến thức, kỹ năng quản lý, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú cho trên 1.500 nhân viên trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng.
Sở Y tế đã hướng dẫn 12/13 địa phương thành lập 123 trạm Y tế lưu động (Cô Tô do dân số ít, đặc thù biển đảo nên chưa thành lập). Đồng thời, toàn tỉnh đã thành lập 1.401 tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng; hơn 2.250 tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, tăng cường để 100% trạm Y tế trong toàn tỉnh có bác sĩ công tác, nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường chuyên môn y tế cho các tuyến y tế cơ sở, chủ động điều trị F0 tại nhà và hỗ trợ chuyên môn cho tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng.

CDC Quảng Ninh thường xuyên tập huấn, đào tạo, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế các bệnh viện, y tế tuyến huyện để công tác PCD Covid-19 được xuyên suốt từ cấp tỉnh đến các địa phương
Để đáp ứng yêu xét nghiệm nhanh, tần tốc ngành Y tế tỉnh đã xây dựng kế hoạch nâng cao công suất xét nghiệm, đào tạo kỹ thuật cho cán bộ y tế và đề nghị tỉnh trang bị thêm máy móc, trang thiết bị xét nghiệm cho các đơn vị y tế tuyến huyện.
Hiện nay, toàn tỉnh có 18 đơn vị y tế đã triển khai xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, toàn tỉnh có 20 máy RT-PCR, giúp nâng công suất xét nghiệm đạt 15.000 mẫu đơn/ngày, 75.000 mẫu/ngày đối với mẫu gộp 5, 150.000 mẫu/ngày đối với mẫu gộp 10. Ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bổ sung thêm 15 máy RT- PCR tại 8 đơn vị y tế, nhằm đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” của các địa phương, chủ động trong xét nghiệm, tầm soát và bóc tách F0, khoanh vùng nhanh, hẹp nhất. Đồng thời, tiếp tục đào tạo, tập huấn nhân lực xét nghiệm; trong tháng 11, CDC Quảng Ninh tổ chức đào tạo, tập huấn cho 867 cán bộ lấy mẫu xét nghiệm, sẵn sàng tham gia chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.

Cán bộ y tế TTYT huyện Hải Hà đang thực hiện XN Covid-19 bằng phương pháp RT PCR ngay tại trung tâm
Cùng với đó, chuyển hướng chiến lược điều trị từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, 100% các TTYT, BV tuyến huyện đã đảm đương vai trò điều trị Covid-19. Như vậy, hiện tại Quảng Ninh đã có 3 bệnh viện việc thu dung, điều trị và cách ly bệnh nhân mắc Covid -19 là bệnh viện 1,2,3 và 3 trung tâm thu dung điều trị (trên cơ sở ba khoa bệnh nhiệt đới tại ba bệnh viện: Ða khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản nhi). 11 Trung tâm y tế đa chức năng và 2 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện đủ năng lực thu dung bệnh nhân nhẹ tới vừa. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã kiện toàn, bổ sung và duy trì trạng thái sẵn sàng của 52 đội “Đáp ứng nhanh với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm” và 26 đội cấp cứu ngoại viện, 10 đội điều trị chuyên ngành tuyến tỉnh.
Với việc vượt qua làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 3 hồi đầu năm – khi là một điểm dịch của cả nước với số ca nhiễm trong cộng đồng đứng thứ 2 trong cả nước; giữ được địa bàn là vùng xanh toàn trong đợt dịch lần thứ 4 trước “cơn bão” biến thể Delta và vững vàng tâm thế khi chuyển đổi trạng thái chống dịch từ “Zero Covid-19” sang sống chung an toàn với dịch bệnh, Quảng Ninh thực sự trở thành điểm sáng, là điển hình trong phòng, chống dịch tạo được niềm tin của nhân dân.
Xác định 5K, truyền thông, công nghệ và vắc xin là chiến lược quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 mang tính dài hạn và quyết định. Ngay từ đầu năm 2021, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực cho phòng, chống dịch và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân. Từ nguồn lực đó, tỉnh đã tích cực tìm kiếm các nguồn vắc xin khác nhằm có được lượng vắc xin nhiều nhất và nhanh nhất.

Người dân huyện đảo Cô Tô được tiêm vắc xin Covid-19
Với vai trò lòng cốt trong chiến dịch tiêm chủng, Sở Y tế đã giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tham mưu, xây dựng kế hoạch, phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin trên diện rộng, quy mô lớn nhất nhất từ trước đến nay trình UBND tỉnh. Trên tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, cách làm bài bản, đồng bộ, từ tháng 4/2021 Quảng Ninh bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết 21/NQ-CP (ngày 26/2/2021) của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19. Để triển khai có hiệu quả đảm bảo an toàn tiêm chủng, Sở Y tế Quảng Ninh chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về quy trình tiêm chủng, quy trình bảo quản vắc xin, xây dựng các điểm tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong quá trình tiêm chủng, ngành đã thành lập các đoàn kiểm tra giám sát tại các điểm tiêm chủng. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố và các địa phương đều đã xây dựng kế hoạch chi tiết, linh hoạt trong tổ chức thực hiện; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn để bố trí cơ sở vật chất đảm bảo giãn cách cũng như tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đến tiêm vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng. Với cách làm hiệu quả, kịp thời, Quảng Ninh đã từng bước tạo được miễn dịch cộng đồng. Qua 20 đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19, từ tháng 4 đến nay, Quảng Ninh đã có trên 1,1 triệu người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trong đó đã có 1.049.717 người được tiêm đủ 2 mũi. Đến ngày 3/12, Quảng Ninh đã có trên 80% trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19.

Tiểm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ đủ 12 đến 17 tuổi tại TP Uông Bí
Từ ngày 18/12, Quảng Ninh là 1 trong những địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19. Đáng nói, trong suốt hơn 20 đợt tiêm chủng, với tiêu chí an toàn tiêm chủng đặt lên hàng đầu, Quảng Ninh không có trường hợp nào tử vong do tiêm vắc xin Covid-19. Nhờ đó, việc triển khai công tác tiêm chủng mũi 3, mũi bổ sung hiện tại đang được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Có thể nói, trong thời gian qua, ngành Y tế đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực với tinh thần không lùi bước trước khó khăn, vững vàng ở tuyến đầu chống dịch COVID-19, trực tiếp góp phần quan trọng cùng cả nước đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch bệnh. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự xông pha, không quản ngại vất vả, nguy hiểm rình rập của các lực lượng tuyến đầu trong đó có những y, bác sĩ, tin tưởng rằng Quảng Ninh sẽ nhanh chóng đẩy lùi đại dịch.
Minh Khương, CDC Quảng Ninh