Đêm ngày 1 rạng sáng ngày 2/4, dưới sự chỉ đạo, giám sát và hỗ trợ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tuyến Trung ương, Trung tâm điều phối tạng Quốc gia phối hợp với bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí đã thực hiện thành công ca mổ lấy đa tạng trên cơ thể bệnh nhân chết não hiến tạng đầu tiên tại Quảng Ninh.
Theo thông tin được cung cấp, người hiến tạng là một thanh niên Quảng Ninh, bị chấn thương sọ não rất nặng sau tai nạn giao thông. Ngay sau khi có kết luận chẩn đoán chết não cuối cùng sau 3 lần đánh giá của Hội đồng chẩn đoán chết não, đồng thời nhận được sự đồng thuận của gia đình trong việc hiến tạng, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã khẩn trương xây dựng kế hoạch lấy đa mô tạng, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, các Trung tâm ghép tạng toàn quốc để rà soát và lập danh sách bệnh nhân sẽ được ghép tạng từ người cho này. Các tạng được hiến bao gồm: tim, gan, 2 thận và 2 giác mạc.

Hội chẩn trực tuyến với các bác sĩ, chuyên gia tuyến trung ương để đánh giá chính xác tình trạng của người bệnh trước khi đưa ra kết luận.
Sau khi lên kế hoạch chi tiết và chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, bố trí nhân sự, thời gian bảo quản và phương án vận chuyển tạng tới nơi ghép, ca phẫu thuật lấy đa tạng đã được triển khai ngay trong đêm với sự tham gia của 120 y bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chia thành nhiều ekip. Trong đó, các trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Việt Đức, Trung ương Huế cũng đã cử các ekip bác sỹ đến Quảng Ninh để cùng tham gia thực hiện ca phẫu thuật. Các mô, tạng sau khi lấy được bảo quản, khẩn trương vận chuyển về Huế và bệnh viện Việt Đức để kịp thời phẫu thuật ghép tạng cho người bệnh.

Lời tri ân các bác sĩ và ekip phẫu thuật dành cho người bệnh
Thông tin từ Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, tính đến chiều ngày 2/4, tất cả các tạng được lấy từ người hiến tặng trên đều đã được ghép, tưới máu tốt, thành công hồi sinh nhiều cuộc đời mới cho những bệnh nhân kém may mắn.

Tiến hành ca phẫu thuật lấy đa tạng từ bệnh nhân hiến tặng
Đánh giá về sự kiện này, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh, Ngành y tế và đặc biệt là Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí trong việc triển khai một ca lấy đa tạng ngay tại đơn vị. Đây là một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng, hình thành và mở rộng mạng lưới hiến tạng, ghép tạng trong toàn quốc. Đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm cho tất cả các bệnh viện trong cả nước, kể cả tuyến tỉnh, tuyến huyện có các bệnh nhân chết não, chết tim tiềm năng hiến tạng. Từ mô hình của Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa ra các đơn vị khác, mở rộng hơn nữa mạng lưới hiến tạng, ghép tạng, gia tăng nguồn tạng hiến, giúp cho nhiều bệnh nhân hơn nữa có cơ hội được cứu sống.”

Tạng hiến tặng được bảo quản và vận chuyển về Huế và bệnh viện Việt Đức để kịp thời phẫu thuật ghép tạng cho người bệnh.
Đây là ca mổ lấy đa tạng đầu tiên được thực hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh, cho thấy sự tham gia ngày càng tích cực của các bệnh viện tuyến tỉnh trong mạng lưới ghép tạng quốc gia, góp phần gia tăng nguồn tạng hiến tặng trong cả nước. Với chủ trương đẩy mạnh phát triển kỹ thuật chuyên sâu, từng bước thực hiện lộ trình triển khai hoạt động hiến ghép mô, bộ phận trên cơ thể người, đồng thời với vai trò là thành viên của mạng lưới, Ngành Y tế Quảng Ninh đã chuẩn bị mọi nguồn lực từ đội ngũ cán bộ chuyên môn cao được đào tạo bài bản đến các phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng, sẵn sàng tiếp nhận và phát triển kỹ thuật ghép mô tạng ngay tại tỉnh nhà.

Những chuyến xe rời bệnh viện mang theo niềm tin và hy vọng sống của nhiều người bệnh kém may mắn
Bên cạnh đó, việc thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy đa tạng tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí đã khẳng định tính hiệu quả trong việc chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến dưới, không chỉ giúp người bệnh được hưởng lợi kỹ thuật cao ngay tai địa phương mà còn nâng cao vai trò, thương hiệu của hệ thống y tế tuyến tỉnh. Đồng thời mở ra tín hiệu tích cực trong việc xây dựng, triển khai lộ trình phát triển chuyên môn sâu về ghép tạng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.
Thanh Nga, Tuấn Anh (CDC)