Mụn rộp sinh dục (Herpes sinh dục) là bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus Herpes Simplex (HSV) gây ra. Dù không nằm trong nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV hay giang mai, nhưng Herpes lại mang tính tái phát suốt đời, khó chữa khỏi hoàn toàn, dễ lây lan trong cộng đồng và tiềm ẩn những biến chứng nặng nề ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Sự chủ quan của người dân, cộng với tâm lý e ngại, giấu bệnh, đã biến Herpes sinh dục trở thành một “căn bệnh âm thầm lây lan mạnh mẽ” trong xã hội hiện đại.
Herpes sinh dục gây ra bởi hai loại virus:
– HSV-1: Chủ yếu gây mụn nước quanh môi, miệng, nhưng cũng có thể lây sang bộ phận sinh dục qua quan hệ đường miệng.
– HSV-2: Là nguyên nhân chính gây Herpes sinh dục, dễ lây qua tiếp xúc tình dục, đặc biệt khi có vết loét hoặc mụn nước.

Điều đáng lo ngại, theo Bác sĩ Lèo Thị Yên, Phó Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phụ sản, Trung tâm Y tế Bình Liêu: “Virus HSV có thể lây ngay cả khi không có triệu chứng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus trú ẩn trong các hạch thần kinh và tồn tại suốt đời. Mỗi khi hệ miễn dịch suy yếu do stress, mất ngủ, kinh nguyệt, ốm đau, virus có thể tái hoạt động, gây bùng phát trở lại”.
Triệu chứng của Herpes sinh dục điển hình là cảm giác ngứa, rát, tê châm chích tại vùng nhiễm. Mụn nước nhỏ, thành cụm, chứa dịch trong. Sau vài ngày, mụn vỡ ra, loét và rỉ dịch. Vết loét đóng vảy và lành sau khoảng 1 tuần. Ở nam giới, mụn thường xuất hiện ở dương vật, bìu, hậu môn. Ở nữ giới, mụn thường nằm trong hoặc xung quanh âm đạo, đôi khi lan đến mông hoặc đùi trong. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp: sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và sinh hoạt vợ chồng.

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần 500 triệu người đang sống chung với HSV-2. Hơn 3,7 tỷ người (tức 2/3 dân số dưới 50 tuổi) nhiễm HSV-1 – chủ yếu ở môi miệng, nhưng vẫn có nguy cơ lây sang bộ phận sinh dục.
Mặc dù phổ biến, nhưng phần lớn người nhiễm không hề biết mình mang virus, trở thành nguồn lây tiềm tàng cho bạn tình và người thân. Không hiếm các trường hợp “lây chéo” trong hôn nhân do một người nhiễm HSV từ trước.
Herpes sinh dục đặc biệt nguy hiểm với thai phụ và trẻ sơ sinh. Nếu nhiễm Herpes lần đầu khi đang mang thai, nguy cơ lây truyền sang thai nhi rất cao, đặc biệt trong ba tháng cuối thai kỳ. Virus HSV có thể gây sẩy thai, sinh non, thai chết lưu. Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng toàn thân, tổn thương não, mù mắt hoặc tử vong.
“Nếu người mẹ bị Herpes ở giai đoạn gần sinh, phương án sinh mổ thường được lựa chọn để bảo vệ em bé. Tuyệt đối không chủ quan nếu phát hiện vết loét hay mụn nước vùng kín trong thai kỳ.” – Bác sĩ Lèo Thị Yên khuyến cáo.
Hiện nay, chẩn đoán Herpes sinh dục chủ yếu qua khám lâm sàng tổn thương da. Xét nghiệm PCR (tìm gene virus). Xét nghiệm máu (nếu không có tổn thương, để phát hiện mang virus).
Điều trị Herpes sinh dục chưa thể loại bỏ hoàn toàn virus, nhưng có thể giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian bùng phát và hạn chế tái phát. Có thể điều trị bằng cách dùng thuốc kháng virus đường uống hoặc bôi tại chỗ (như acyclovir). Hai là, sử dụng liệu pháp miễn dịch gen sinh học (INT) – công nghệ mới giúp phá vỡ ổ virus, tăng cường đề kháng và ngăn tái phát hiệu quả hơn.
“Người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà. Việc dùng sai thuốc có thể khiến bệnh âm ỉ kéo dài, khó kiểm soát về sau.” – Bác sĩ Yên nhấn mạnh.
Để phòng Herpes sinh dục, cần bắt đầu từ thói quen tình dục lành mạnh và vệ sinh cá nhân nghiêm túc:
– Quan hệ an toàn: sử dụng bao cao su đúng cách.
– Tránh quan hệ khi có triệu chứng hoặc trong giai đoạn bệnh bùng phát.
– Không dùng chung đồ dùng cá nhân.
– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, không thụt rửa âm đạo sâu (đối với nữ).
– Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh vùng tổn thương, bôi thuốc sát khuẩn theo chỉ định.
– Mặc quần lót thông thoáng, không chật, uống đủ nước.
– Nếu có bạn tình nhiễm HSV: nên dùng thuốc kháng virus mỗi ngày để giảm lây lan.
Herpes sinh dục không phải là “án tử hình”, nhưng nếu xem thường, giấu bệnh, hoặc tự điều trị sai cách, người bệnh sẽ phải sống chung với sự lo lắng kéo dài, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống, tâm lý và sức khỏe sinh sản.
“Mỗi người dân cần chủ động trang bị kiến thức, xét nghiệm định kỳ nếu có nguy cơ, và đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ. Herpes sinh dục hoàn toàn có thể kiểm soát – nếu bạn không làm ngơ.” – Bác sĩ Lèo Thị Yên, Trung tâm Y tế Bình Liêu.
✅ Herpes sinh dục – phổ biến nhưng không thể xem thường.
✅ Phát hiện sớm, điều trị đúng, chủ động phòng ngừa – là cách bảo vệ chính mình và người thân.
Mạnh Hùng, Ngọc Phượng – CDC QN