Hiện nay việc chia sẻ các vấn đề về sức khỏe và xin tư vấn của cộng đồng mạng đang trở thành hiện tượng phổ biến. Như mới đây từ một tài khoản facebook của chị NT chia sẻ hình ảnh về bàn tay của mình xuất hiện nhiều mụn nước, có biểu hiện ngứa và lan ra nhiều vị trí khác nhau trên bàn tay và cả bàn chân. Sau đó, chị NT đã nhận được rất nhiều lời tư vấn từ các tài khoản facebook khác về cách chữa trị, các loại thuốc bôi được quảng cáo là rất hiệu quả, có thể khỏi ngay khi bôi 1 đến 2 ngày.

Hình ảnh chị NT chia sẻ trên facebook là dấu hiệu của bệnh ghẻ nhưng được cộng đồng mạng tư vấn sang bệnh khác
Tuy nhiên, theo bác sĩ Đoàn Thị Hồng Nhung – Phó khoa Da liễu & Phòng chống mù lòa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh thì trường hợp chị NT mắc bệnh ghẻ nhưng rất nhiều lời tư vấn từ cộng đồng mạng lại hiểu nhầm sang bệnh khác, thậm chí giới thiệu các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được chỉ định để điều trị bệnh này. Điều này rất nguy hiểm vì nếu điều trị sai cách có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận… dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.

Bệnh nhân đến khám chuyên khoa Da liễu tại phòng Khám đa khoa CDC Quảng Ninh phát hiện mắc bệnh ghẻ
Bệnh Ghẻ là một bệnh da phổ biến ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt. Bệnh lây từ người này qua người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc quần áo, chăn màn, chiếu đệm có dính trứng ghẻ.
Ký sinh trùng Ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei hominis. Ghẻ cái ngày đẻ 1-5 trứng, sau 3-7 ngày trứng nở thành ấu trùng, ấu trùng lột xác nhiều lần thành ghẻ trưởng thành.
Thời gian ủ bệnh trung bình 2-3 ngày đến 2-6 tuần. Người mắc thường có các dấu hiệu: Những mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân, ở quy đầu. Ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ. Sẩn cục hay sẩn huyết thanh: hay gặp ở nách, bẹn, bìu. Trên da có thể có những vết xước, vảy da, đỏ da, dát thâm. Có thể chàm hóa, hóa mủ. Người bệnh ngứa, khó chịu, nhất là về đêm vì cái ghẻ đào hầm vào ban đêm.

Hình ảnh luống ghẻ ở kẽ ngón tay của một em bé

Ở trẻ sơ sinh mụn nước có thể xuất hiện ở quy đầu
Chẩn đoán bệnh ghẻ dựa vào tiêu chuẩn vàng là tìm thấy cái ghẻ. Các phương pháp tìm cái ghẻ: Soi tìm dưới kính hiển vi hoặc sử dụng dermoscopy. Tuy nhiên, không phải lúc nào xét nghiệm cũng tìm thấy cái ghẻ và các sẩn phẩm của chúng. Vì vậy, chẩn đoán dựa vào các đặc điểm lâm sàng và tính chất dịch tễ là rất quan trọng.
Điều trị bệnh ghẻ phải theo nguyên tắc:
Điều trị cho cả những người trong gia đình, tập thể, vườn trẻ… nếu phát hiện bị bệnh ghẻ.
Giặt sạch, phơi khô quần áo, chăn chiếu, các đồ dùng khác.
Thuốc điều trị: Thuốc bôi tại chỗ DEP, Permthrine 5%, thuốc dạng xịt…; thuốc uống: Kháng histamin để giảm ngứa. Khi sử dụng phải được bác sĩ khám tư vấn và hướng dẫn sử dụng đúng cách.
Ngoài ra tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ có chỉ định dùng thuốc.
Để phòng bệnh ghẻ người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân hằng ngày sạch sẽ. Khi phát hiện ra có người trong gia đình bị ghẻ cần điều trị sớm, tránh tiếp xúc và dùng chung các đồ dùng của người bị bệnh. Đặc biệt không tự ý điều trị, sử dụng các thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc do người khác giới thiệu vì nghĩ bệnh giống nhau. Nếu sử dụng sai thuốc có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được bác sĩ tư vấn, kê đơn thuốc phù hợp với tình trạng bệnh của mỗi người.
Hải Ninh (CDC)