Hiện nay, Lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4100 người tử vong vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc, trong khi lao là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Năm 2022, nước ta lấy chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 là “Giảm thiểu tác động của COVID-19 – Tập trung nguồn lực – Tăng cường phát hiện bệnh lao”, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, tiến tới chấm dứt bệnh lao.
Căn bệnh nguy hiểm không kém COVID-19
Cách đây 1 năm, sau khi sinh con thứ hai được hơn 2 tháng, chị Đinh Thùy Linh (22 tuổi, ở khu 5, phường Cao Thắng) có biểu hiện đau bụng về chiều, nổi hạch ở bụng, cổ. Sau khi đi khám qua nhiều bệnh viện không phát hiện bệnh, chị Linh đến Bệnh viện Phổi Quảng Ninh. Tại đây chị được chẩn đoán mắc Lao ổ bụng, một dạng lao ngoài phổi ít phổ biến so với lao phổi thông thường. Sau 8 tháng kiên trì điều trị bằng thuốc tại nhà với sự hướng dẫn của cán bộ y tế, chị Linh đã có chuyển biến tốt, hạch ở cổ đã giảm, bụng không còn đau, ăn uống sinh hoạt bình thường.

Trên thực tế, không phải ai cũng phát hiện bệnh lao ở giai đoạn sớm như trường hợp chị Thùy Linh ở trên. Bởi lẽ vi khuẩn lao khi mới xâm nhập vào cơ thể ẩn nấp tại các cơ quan nội tạng. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài tháng đến vài năm tùy theo sức đề kháng và khả năng miễn dịch của cơ thể mà bệnh phát tác. Các triệu chứng bệnh khiến nhiều người nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp thông thường, vì thế dễ bỏ sót và không phát hiện bệnh sớm. Ở những người có hệ miễn dịch suy giảm như bệnh nhân HIV, ung thư, tiểu đường…. bệnh lao sẽ có dấu hiệu chuyển biến phức tạp. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng ban đầu như gầy, sút cân, đau ngực, khó thở, ho, sốt. Bệnh thường ảnh hưởng đến phổi nhưng có thể lan ra đến xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác, gây ra bệnh lao ngoài phổi như lao hạch, tràn dịch màng phổi do lao, tràn dịch màng tim do lao, lao màng não, lao xương khớp, lao tiết niệu – sinh dục… nếu không kịp thời điều trị.
Hiện nay, bệnh Lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh Lao cao nhất trên thế giới, ước tính có khoảng 170.000 người mắc mới và 10.000 người tử vong do bệnh Lao ở Việt Nam mỗi năm. Những người tử vong do lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động và đang dần có xu hướng trẻ hóa. Đối với bệnh lao nếu để lâu, phát hiện muộn, bệnh sẽ nặng lên, dẫn đến nhiều biến chứng, vi khuẩn kháng thuốc, quá trình điều trị khó khăn hơn, nguy cơ lây lan trước đó cho cộng đồng lớn hơn.
Hoạt động chống lao gặp “khó” giữa dịch COVID-19
Kết quả phòng chống lao các năm qua đến nay đã cải thiện tình hình dịch tễ bệnh lao của tỉnh Quảng Ninh, làm giảm tỷ lệ hiện mắc lao trong cộng đồng xuống còn 83 ca trên 100.000 người dân, đạt vượt 17% chỉ tiêu CTCLQG giao cho; tỷ lệ điều trị thành công các thể lao trên 90%, tỷ lệ lao kháng thuốc trong số lao mới dưới 5% và khống chế tử vong do lao chỉ còn trong khoảng 2,5-3%, đạt vượt chỉ tiêu Chương trình chống lao Quốc gia đề ra.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 thời gian qua khiến cho những thành quả phòng, chống lao bị ảnh hưởng đáng kể. Công tác quản lý, giám sát bệnh nhân lao bằng hình thức trực tiếp bị hạn chế; Hệ thống y tế cả 3 tuyến đều phải ưu tiên nguồn lực và giường bệnh cho các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 nên thiếu nguồn lực để tổ chức các hoạt động khám sàng lọc phát hiện Lao tiềm ẩn ở các nhóm nguy cơ mắc lao cao như người sống cùng nhà hoặc thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi, công nhân mỏ và người dân vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận dịch vụ y tế, khiến cho tỷ lệ phát hiện bệnh lao giảm so với các năm trước đây. Điều này rất đáng báo động bởi với số người mắc lao chưa được phát hiện sẽ là nguồn lây lan cho cộng đồng. Nếu những người này không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới tỷ lệ tử vong tăng cao.
Tiến sĩ, Bác sĩ Tăng Xuân Châu (Phụ trách phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh) cho biết: Để khắc phục những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, Bệnh viện Phổi đã triển khai áp dụng các giải pháp vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phòng chống Lao ở cả 3 tuyến: tích cực phối hợp với các bệnh viện tập huấn đào tạo, hỗ trợ các bệnh viện ddều có thể khám phát hiện và chẩn đoán được bệnh Lao; thành lập các nhóm tư vấn và hội chẩn với tuyến huyện, xã để tăng cường năng lực khám, phát hiện, điều trị tại chỗ, quản lý bệnh nhân tại chỗ, tăng cường hình thức giám sát gián tiếp; Việc quản lý, cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân lao tại tuyến y tế cơ sở được điều chỉnh phù hợp về thời gian và số lượng để đảm bảo cho bệnh nhân có đủ thuốc sử dụng theo phác đồ mà không phải đi lại nhiều lần. Các hoạt động truyền thông được lồng ghép trong hoạt động phòng chống COVID-19 với đa dạng các hình thức.
Tăng cường phát hiện sớm bệnh lao, tránh trở nặng, ngừa tử vong
Hiện nay cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng đang tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy lùi đại dịch COVID-19, đồng thời cũng hết sức quan tâm phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác. Trong đó, công tác phòng, chống lao được ngành Y tế tỉnh triển khai và duy trì tại 100% huyện, thị, thành phố, củng cố mạng lưới phòng, chống lao từ tuyến tỉnh đến cơ sở. Những năm gần đây, các chuyên khoa lao tuyến huyện, thành phố đã được đầu tư trang bị, phương tiện nhằm xét nghiệm, phát hiện bệnh chính xác và hiệu quả. Tại tuyến tỉnh, Bệnh viện Phổi đã được trang bị hệ thống máy xét nghiệm lao nhanh và lao kháng thuốc Gene – Xpert cho kết quả chỉ sau 2 giờ, với độ chính xác cao (trên 98%). Ngoài ra, các cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, như: Máy siêu âm, X-quang và các phương tiện xét nghiệm khác hỗ trợ khám, chẩn đoán, phát hiện bệnh lao cũng được tăng cường. Cán bộ chuyên trách công tác chống lao tại các tuyến, nhất là ở vùng sâu, vùng xa được phân công trách nhiệm, phụ trách từng địa bàn cụ thể để nắm bắt kịp thời tình hình bệnh lao. Việc quản lý, cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân lao tại tuyến y tế cơ sở được đảm bảo, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tín hiệu đáng mừng là hiện nay, thông qua các hoạt động phòng chống COVID-19, người dân đã có ý thức cao hơn về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, trong đó có bệnh lao. Nhiều bệnh nhân chủ động tìm đến các chuyên khoa lao để khám, kiểm tra sàng lọc các bệnh về đường hô hấp. Như trường hợp ông Đoàn Tuấn Minh (phường Hải Tiến, Thành phố Móng Cái), mặc dù dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng vẫn ở nguy cơ cao, nhưng không vì thế mà ông trì hoãn việc khám bệnh. Ông Minh chia sẻ: “Nhiều bà con sợ nhiễm COVID-19 nên ai cũng ngại đi khám, nhưng không hiểu rằng ngoài COVID-19 thì còn nhiều bệnh khác phải quan tâm, đặc biệt những người có bệnh nền không thể trì hoãn việc đi khám, lấy thuốc. Như vậy càng nguy hiểm!”.

Riêng đối với những bệnh nhân lao, đặc biệt là lao kháng thuốc, vốn đã bị tổn thương phổi, càng cần được quan tâm đặc biệt trong quá trình điều trị, bởi khi một người mắc cả Lao và COVID-19, tổn thương phổi sẽ có nguy cơ nặng nề hơn so với những người chỉ mắc một trong hai bệnh. Phát hiện sớm và chủ động sàng lọc tại các cơ sở y tế, bệnh viện, phòng khám và tại cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng trong tình hình hiện nay.
Người bệnh lao cần duy trì các thuốc điều trị đều đặn tại nhà và tái khám đúng lịch. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng chống COVID-19 hiện nay như rửa tay, đeo khẩu trang, duy trì lối sống lành mạnh, giữ vệ sinh môi trường nhà ở thông thoáng, sạch sẽ, tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch… nên trở thành thói quen hàng ngày của người dân, bởi nó không chỉ phòng chống COVID-19 mà còn phòng chống dịch bệnh hô hấp và nhiều căn bệnh khác, trong đó có bệnh Lao.
Quỳnh Trang – Hải Ninh – Mạnh Hùng (CDC)