Đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện với thông điệp “Mở lòng nhân ái – Lan tỏa yêu thương – Thắp sáng niềm tin – Tiếp nối hy vọng – Gieo mầm sự sống”.
Hiến máu tình nguyện không chỉ là nghĩa cử cao đẹp, mà còn là biểu tượng của lòng nhân ái, của tinh thần sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng. Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Với thông điệp đầy tính nhân văn: “Mở lòng nhân ái – Lan tỏa yêu thương – Thắp sáng niềm tin – Tiếp nối hy vọng – Gieo mầm sự sống”, phong trào không chỉ góp phần cứu sống hàng triệu người bệnh mỗi năm mà còn khơi dậy những giá trị cao đẹp về tình người trong xã hội.
Hiến máu tình nguyện đã và đang trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt Nam, đặc biệt là trong giới trẻ, sinh viên, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang… Những giọt máu quý giá được sẻ chia không chỉ cứu người mà còn tiếp thêm hy vọng, nghị lực sống cho những bệnh nhân đang chống chọi từng ngày với bệnh tật. Họ – những người được nhận máu – có thể là một em bé sinh non đang cần truyền máu cấp cứu, một người mẹ vượt cạn gặp tai biến, hay một bệnh nhân cần hóa trị đang kiệt sức… Và chính những người cho máu là những “anh hùng thầm lặng”, họ không cần ai biết tên, không cần đền đáp, chỉ cần một điều: “Người được cứu sống”.
Ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về việc vận động và khuyến khích toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện, đồng thời lấy ngày 7/4 hàng năm là “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”. Đây được xem là một bước ngoặt lớn, đánh dấu sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của phong trào hiến máu tại Việt Nam, tạo nền tảng pháp lý và tinh thần để cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ đó nâng cao nhận thức toàn dân về vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm công dân trong việc tham gia hiến máu cứu người.
Từ đó đến nay, phong trào hiến máu tình nguyện đã có những bước phát triển vượt bậc. Nếu như đầu những năm 2000, lượng máu tiếp nhận chủ yếu đến từ người thân, bạn bè của bệnh nhân hoặc người hiến máu chuyên nghiệp, thì hiện nay, trên 98% lượng máu tiếp nhận hằng năm là từ người hiến máu tình nguyện. Đây là thành tựu đáng tự hào thể hiện tinh thần nhân văn, sự đồng lòng, sẻ chia của toàn xã hội.
Tại nhiều địa phương, các chiến dịch hiến máu quy mô lớn như “Lễ hội Xuân hồng”, “Hành trình Đỏ”, “Giọt hồng đất mỏ”, “Ngày hội hiến máu vì người bệnh cần máu”… đã trở thành hoạt động thường niên có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút hàng chục nghìn người dân tham gia. Nhiều gia đình đã có ba thế hệ cùng hiến máu tình nguyện, nhiều cá nhân hiến máu đến hàng chục lần – họ là những tấm gương sáng cho cộng đồng noi theo.

Thanh niên Ngành Y tế Quảng Ninh luôn tích cực hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện
Hiến máu cứu người – một nghĩa cử cao đẹp, là hành động giúp đỡ những người bệnh đang cần những giọt máu quý giá để duy trì sự sống. Với những người hiến máu, việc đi hiến máu còn mang lại nhiều lợi ích như: Giúp tạo trạng thái tinh thần tích cực, tâm lý thoải mái; được kiểm tra, tư vấn sức khỏe, giúp người hiến máu theo dõi và tự giám sát sức khỏe của mình; giúp giảm tải sắt trong cơ thể, giúp tăng tạo máu mới. Hiến máu làm giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ, tim mạch. Hiến máu giúp tăng quá trình đốt cháy calo và giúp đỡ trong việc giảm cân. Mỗi lần hiến máu là một lần gửi máu vào ngân hàng máu, khi không may mắn, người hiến máu cần nhận máu, xuất trình giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện sẽ được bồi hoàn máu miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc.

Bác sĩ CKII Bùi Minh Cường – Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tham gia hiến máu tình nguyện
Đặc biệt giá trị mà chúng ta, những người hiến máu được xã hội tôn vinh và được sự quan tâm ưu tiên nếu như sau này cần đến máu trong chữa bệnh của bản thân. Tham gia hiến máu tình nguyện bạn được đảm bảo những quyền lợi sau: Được khám, tư vấn sức khỏe miến phí, được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm về máu bí mật bằng thư riêng miễn phí: nhóm máu, HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai, sốt rét. Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh về máu được các bác sĩ mời tư vấn miễn phí về sức khỏe và hướng dẫn điều trị. Được bồi dưỡng trực tiếp: Phục vụ ăn nhẹ, nước uống tại chỗ; Được nhận quà lưu niệm; Nhận giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Được thông báo kết quả tất cả các xét nghiệm máu đã thực hiện sau 1 tuần. Được đảm bảo bí mật các thông tin về cá nhân theo đúng quy định. Người hiến máu được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện, ngoài giá trị tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu còn có giá trị bồi hoàn miễn phí lại số lượng máu đã hiến khi không may bị ốm đau, rủi ro, hoạn nạn, phẫu thuật cần truyền đến máu. Ngoài việc được bồi hoàn lại số lượng máu đã hiến, người hiến máu còn được ưu tiên trong việc truyền máu khi cần, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị ở tất cả các bệnh viện công lập trong toàn quốc và có giá trị suốt đời.
Các điều kiện tham gia hiến máu: Tất cả mọi người khỏe mạnh, tuổi từ đủ 18 đến 60 tuổi; cân nặng ít nhất 42kg đối với nữ, 45kg đối với nam; không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác; thời gian giữa 2 lần hiến máu là 12 tuần đối với cả nam và nữ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tổ chức Chương trình hiến máu tình nguyện đón Xuân năm 2025
Tại Quảng Ninh, những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh luôn được đẩy mạnh thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đây là hoạt động mang ý nghĩa xã hội rất lớn, thể hiện tính nhân văn cao đẹp, là nét đẹp văn hóa trong các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng nói chung và ngành Y tế nói riêng. Xác định công tác truyền thông có ý nghĩa quan trọng trong việc vận động các tầng lớp nhân dân tham gia HMTN. Vì vậy, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh đã chỉ đạo 100% Ban Chỉ đạo vận động HMTN các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cùng cấp vận động các tầng lớp nhân dân tham gia HMTN, bằng nhiều hình thức như: Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, pano, áp phích, tờ rơi, tuyên truyền trên website, trang facebook của các đơn vị, địa phương. Đồng thời, tập trung lồng ghép tuyên truyền trong các chiến dịch ra quân, vận động HMTN lớn của tỉnh hằng năm như: Chương trình “Lễ hội xuân hồng”, “Những giọt máu hồng hè”, “Hành trình đỏ – giọt hồng đất Mỏ” và các sự kiện, ngày kỷ niệm như Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4), Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu (14/6),…
Để có nguồn máu ổn định, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh đã xây dựng lực lượng hiến máu bền vững, hiệu quả tại cộng đồng với mạng lưới tình nguyện viên rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Công tác phát triển nguồn người hiến máu dự bị và nhắc lại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ban chỉ đạo các cấp. Mỗi địa phương đều có từ một đội tình nguyện viên hiến máu dự bị trở lên. Các đội hiến máu dự bị đều tổ chức sinh hoạt, kiện toàn thường xuyên, có danh sách, địa chỉ, số điện thoại và phân loại nhóm máu để đảm bảo nhu cầu hỗ trợ máu thường xuyên.
Trung bình mỗi năm, đã có hàng chục nghìn người tình nguyện tham gia chiến dịch, sự kiện HMTN do Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các địa phương, đơn vị triển khai. Lượng máu thu được qua các năm liên tục tăng và vượt chỉ tiêu đề ra. Hình ảnh những người dân các ngành nghề trong toàn tỉnh tham gia ngày hội hiến máu là nguồn động lực giúp truyền cảm hứng và lan tỏa yêu thương đến những người xung quanh, thôi thúc họ tham gia vào hành trình hiến máu, chung tay nối dài hoạt động chia sẻ yêu thương và những điều tốt đẹp đến cộng đồng.
Hoàng Yến – CDC Quảng Ninh