Để góp phần nâng cao nhận thức thay đổi hành vi về dân số và phát triển. Trong thời gian qua, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đầm Hà đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tạo điều kiện để thực hiện tốt các nội dung của công tác dân số trong tình hình mới.
Huyện Đầm Hà có 10.455 hộ dân với 42.232 nhân khẩu sinh sống trên địa bàn xã. Thời gian qua TTYT đã chủ động phối hợp các ban ngành đoàn thể xã, để triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Bằng các hình thức đa dạng, phong phú như: phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh địa phương, các họp tổ đoàn thể… Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên là lực lượng nòng cốt, phát huy tốt vai trò truyền thông ở địa bàn. Ngoài ra, TTYT còn tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động truyền thông trọng tâm như: truyền thông hưởng ứng Ngày Dân số thế giới 11/7, Ngày Thalassemia Thế giới 11/8. Ngày Quốc tế người cao tuổi 1-10, Ngày Quốc tế trẻ em gái 11-10, Ngày Tránh thai thế giới, ngày dân số Việt Nam 26/12 hằng năm.

Duy trì hoạt động các CLB tư vấn sức khoẻ tại địa phương
Trong 6 tháng đầu năm 2022, TTYT huyện Đầm Hà đã phối hợp, tổ chức 43 hội nghị truyền thông chuyên đề về DS-KHHGĐ; Tổ chức được 153 buổi truyền thông cộng đồng cho 4.980 lượt người nghe về CSSKSS, KHHGĐ, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết, sàng lọc sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho vị thành niên, thanh niên, hưởng ứng ngày Thalassemia; Truyền thông qua loa FM tại các trạm y tế với 35 tin bài, 157 lượt buổi có tổng thời gian là 1.855 phút; Đảm bảo duy trì hoạt động của các CLB về dân số, người cao tuổi trên địa bàn huyện,…

Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng nhằm phổ biến kiến thức về DS-KHHGĐ cho người dân
Mặt khác, để trang bị kiến thức về SKSS cho vị thành niên, thanh niên. Trạm Y tế còn phối hợp với các trường THCS tuyên truyền trong giờ sinh hoạt dưới cờ cho hơn 500 em học sinh và phối hợp với các ban ngành khác như đoàn thanh niên, tư pháp tuyên truyền, tư vấn các kiến thức cơ bản về những vấn đề tâm sinh lý, tình bạn, tình yêu tuổi vị thành niên, thanh niên, lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Nhờ được tuyên truyền, vận động nên công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân nhận thức đầy đủ và được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên do cách biệt vùng miền, trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế nên tỉ lệ sinh con thứ 3 tại nhiều địa phương vẫn ở mức cao. Tư tưởng phải có con nối dõi hay nhà đông con vẫn còn và rất khó để thay đổi tại địa phương mà người đồng bào dân tộc chiếm đến 80%. Chị Chíu Tài Mùi, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà cho biết: “Nhà tôi có 2 đứa rồi nhưng là con gái nên vẫn muốn đẻ thêm cho có con trai. Nhà mình cũng không quá khó khăn nếu phải nuôi 3 đứa”.

Tăng cường tuyên truyền, tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân cho các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn
Việc thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân là hết sức khó khăn. Không chỉ truyền tải thông điệp, đưa nội dung tuyên truyền đến với người dân mà còn phải làm cho họ hiểu, họ tin để làm theo. Đó luôn là thách thức lớn đối với các cấp quản lý cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tại huyện Đầm Hà. Chia sẻ về một số biện pháp, định hướng hoạt động đối với công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới, bác sĩ CKI. Nguyễn Văn Quảng, Phó Giám đốc TTYT huyện Đầm Hà cho biết: “Đơn vị sẽ tập trung nhiều hơn cho công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân; đổi mới phương thức tuyên truyền để tăng hiệu quả và đối tượng tiếp cận; tuyên truyền trên mạng xã hội qua nhóm zalo, facebook với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu về hệ lụy và tác động của việc sinh nhiều con cũng như tác động của nó đến sự phát triển kinh tế, xã hội. Quan tâm nhiều hơn đến vai trò của nhóm cộng tác viên dân số tại cơ sở; thực hiện truyền thông, tư vấn nhóm nhỏ, tư vấn trực tiếp hoặc tư vấn lồng ghép thông qua các đợt chiến dịch chăm sóc SKSS, nói chuyện chuyên đề về DS-KHHGĐ, Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện để sớm hoàn thành các chỉ tiêu về dân số và phát triển bền vững”.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng với những cách làm mới, tư tưởng tiến bộ của đội ngũ cán bộ dân số các cấp, chất lượng dân số tại Đầm Hà đang từng bước được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương.
Thanh Nga (CDC)