Thời tiết giao mùa từ thu sang đông cùng với những thay đổi thất thường của khí hậu, sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngày và đêm là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi rút gây bệnh phát triển. Trong đó, tê cước chân tay là một trong những bệnh ngoài da khá phổ biến, dù không thuộc nhóm bệnh nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều phiến toái cho người bệnh mỗi khi trời trở lạnh.
Bệnh cước tay chân thường xảy ra khi các mạch máu nhỏ của da bị viêm và tạo nên các vùng da đổi màu như đỏ, xanh tím hay trắng cùng với các biểu hiện sưng to, phồng rộp và gây ngứa. Tình trạng này sẽ xảy ra ở những vị trí trên cơ thể tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ lạnh, đặc biệt ở những vị trí như đầu ngón tay, chân rất thường dễ mắc. Thời tiết, nhiệt độ thấp cùng với tuần hoàn của cơ thể kém được coi là tác nhân chính dẫn tới sự nghiêm trong của căn bệnh này.

Một số hình ảnh tê cước chân tay của người bệnh
Cước tay chân thường xảy ra ở người già và trẻ em, hoặc những người ít vận động trong điều kiện khí hậu lạnh và ẩm. Đối với trẻ em, bệnh chỉ tái phát vào mùa đông và có thể thuyên giảm dần rồi tự khỏi. Tuy nhiên ở người già thì bệnh có xu hướng ngược lại, khi xuất hiện bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn và nặng hơn. Nếu tránh được những yếu tố khởi phát thì có thể tránh được tình trạng bệnh trở nên nặng. Bên cạnh đó, bệnh xảy ra ở nữ giới phổ biến hơn nam giới.
Tê cước chân tay có thể tự khỏi trong vòng 1 – 3 tuần, nhưng nếu vị trí viêm có tình trạng nhiễm trùng thì cần phải điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tình trạng sức khoẻ của người bệnh. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ CKI. Phạm Thanh Lam, Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh cho biết: Bệnh cước thông thường ban đầu chỉ là các mảng đỏ ngứa. Tuy nhiên sau khoảng 2 – 3 ngày có thể xuất hiện mụn nước và xung quanh vùng da thì trở nên đỏ tía và rất đau. Sau khoảng 7 ngày thì có thể xảy ra tình trạng hoại tử khô. Và nếu sau 2 – 3 tuần nếu bị bội nhiễm vi khuẩn thì sẽ trở nên hoại tử ướt và bản thân bệnh nhân sẽ sợ gió, sợ lạnh, phát sốt. Nếu tình trạng này không được điều trị đúng cách và kịp thời thì có thể gây ra nhiễm khuẩn huyết và tử vong.
Bệnh cước tay, chân cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng, nhưng các triệu chứng của bệnh đều liên quan mật thiết đến phản ứng của cơ thể với các điều kiện về khí hậu và môi trường lạnh ẩm. Hệ thống tuần hoàn của cơ thể bao gồm các mao mạch, tĩnh mạch và động mạch có chức năng mang máu đến hầu hết các tế bào của các cơ quan trong cơ thể và hệ thống này khá nhạy cảm với điều kiện nhiệt độ. Trong điều kiện khí hậu nóng bức, cơ thể sẽ mở rộng các mạch máu dưới da để nhiệt độ có thể toả vào không khí, từ đó giúp làm mát cơ thể. Ngược lại, khi khí hậu có nhiệt độ lạnh, thì hệ thống này sẽ co lại để bảo tồn và duy trì nhiệt độ của cơ thể. Sự co thắt này có thể khiến tổn thương các chi gây nên triệu chứng của bệnh cước tay, chân. Và trường hợp này thường xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với thời tiết lạnh.
Bệnh cước tay chân sẽ thường có các tổn thương da thường xảy ra sau vài giờ tiếp xúc với nhiệt độ lạnh. Vị trí thường hay gặp ở bệnh này xuất hiện trên các ngón tay và ngón chân hoặc một số trường hợp có thể gặp ở mũi, lòng bàn chân, bắp chân, đùi, mông. Bệnh thường có các biểu hiện chủ yếu như: xuất hiện các nốt, mảng da đỏ và ngứa, ở những vị trí này luôn cảm giác nóng rát hoặc da khổ dễ bị nứt nẻ dẫn đến chảy máu, hoặc màu da có thể thay đổi từ tím sang xanh và có thể kèm theo triệu chứng đau. Trong trường hợp bị nặng thì ở vị trí sưng đau còn có thể phồng rộp, mụn mủ và loét da.
Bệnh cước thông thường có thể tự khỏi sau 2 – 3 tuần, tuy nhiên nếu bệnh kéo dài kèm theo mụn nước gây ngứa và đau nhiều thì người bệnh nên đến bác sĩ để được khám và tư vấn kịp thời. Đặc biệt với những người có bệnh lý nền như đái tháo đường, xơ vữa động mạch, lupus ban đỏ thì việc điều trị sẽ trở nên lâu dài và khó khăn hơn. Chia sẻ một số phương pháp điều trị bệnh cước tay chân thể nhẹ người bệnh có thể thực hiện tại nhà, bác sĩ CKI. Phạm Thanh Lam cho biết: Với bệnh cước thể nhẹ, chúng ta có thể hoàn toàn điều trị tại nhà bằng các phương pháp sau: Thứ nhất là giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh, đặc biệt là đeo găng tay và tất chân, không nên rửa chân tay bằng nước lạnh và chú ý là sau khi rửa chân tay xong thì chúng ta phải lau khô rồi mới mang găng tay hoặc đeo tất.
Với trường hợp bệnh cước có mụn nước, chúng ta chỉ nên mát xa nhẹ nhàng, không nên gãi quá mạnh tránh trầy xước và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Với Y học cổ truyền có thể dùng các phương pháp như ngâm tay chân vào nước lá lốt ấm, thêm muối, gừng, ngâm trong khoảng 15p, duy trì 2 – 3 lần/tuần. Theo Đông Y, lá lốt và gừng có vị cay, tính ấm giúp khử hàn tà, lưu thông khí huyết. Khi ngâm sẽ làm các mạch máu ngoại vi giãn ra, giảm các triệu chứng ngứa, đau của bệnh. Mặt khác lòng bàn tay, chân cũng có nhiều huyệt đạo của cơ thể, nên có thể dùng cao, tinh dầu nóng… mát xa nhẹ nhàng lòng bàn tay, chân cũng là một trong những biện pháp tích cực điều trị bệnh.
Bệnh cước tay chân thường đáp ứng kém với các loại thuốc điều trị. Tuy vậy để giảm bớt các triệu chứng của bệnh gây nên có thể sử dụng kem bôi có chứa thành phần corticoid ở những vết ngứa và sưng trong vài ngày. Nhưng phần lớn các bệnh sẽ có biểu hiện giảm mà không cần sử dụng tới thuốc. Với trường hợp bệnh đặc biệt có kèm theo tình trạng nhiễm trùng, thì cần sử dụng thêm kháng sinh bôi, hoặc uống với liều lượng tuỳ thuộc vào mức độ của bệnh.

Sử dụng các bài thuốc đông y như ngâm chân bằng nước ấm có muối, gừng giúp hạn chế cước chân, tay hiệu quả khi thời tiết chuyển lạnh
Sử dụng thuốc giãn mạch như nifedipine có thể mang lại hiệu quả trong điều trị bệnh cước tay chân, tuy nhiên, khi sử dụng thuốc này cần lưu ý đến các tác dụng phụ có thể xảy ra như đau đầu, nóng bừng, chóng mặt, buồn nôn hay phù ngoại biên.
Ngoài việc sử dụng thuốc để điều trị bệnh cước tay chân thì người bệnh có thể thực hiện kết hợp một số hoạt động sau đây nhằm giảm bớt triệu chứng khó chịu của bệnh như: Giữ ấm vùng da bị ảnh hưởng do bệnh cước tay chân gây nên, không nên xoa bóp, chà xát hoặc chườm nóng trực tiếp ở những vị trí bị cước; Tránh tiếp xúc với nhiệt độ lạnh bất kì khi nào; Giữ cho vùng da bị cước khô ráo và ấm nhưng tránh không được ngồi quá gần những nơi có nguồn nhiệt ấm để sưởi ấm; Thường xuyên đảm bảo vệ sinh sạch những tổn thường bằng thuốc sát trùng để tránh nhiễm trùng nặng hơn.
Bệnh cước tay chân khó điều trị nhưng không khó để phòng ngừa. Người bệnh chủ yếu cần giảm thiểu tiếp xúc với nhiệt độ lạnh và giữ ấm cho cơ thể thật tốt: Tránh tiếp xúc với khí hậu hoặc những nơi có nhiệt độ lạnh; Luôn giữ ấm và khô ráo cho cơ thể đặc biệt là tay, chân, mặt; Khi ra đường trong thời tiết lạnh giá cần hạn chế để lộ các phần da tiếp xúc với nhiệt độ lạnh bằng cách sử dụng găng tay, đi tất và giày ấm; Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc để hạn chế sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh; Ngưng sử dụng các loại chất kích thích có chứa caffein hay nicotin vì dễ gây tình trạng co mạch tăng nguy cơ xuất hiện bệnh cước tay chân.
Thanh Nga (CDC)