Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế công lập. Đây là bước đi quan trọng, thể hiện tinh thần cầu thị và nỗ lực cải thiện chế độ đãi ngộ đối với những người đang ngày đêm gắn bó với lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện chính sách, cần đặc biệt lưu ý đến một lực lượng vẫn đang còn bị “bỏ quên” trong nhiều năm qua – đó là đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông – giáo dục sức khỏe (TT-GDSK).
Trong hệ thống y tế, TT-GDSK đóng vai trò là “cánh tay nối dài” của chuyên môn y tế, là “cầu nối” thiết yếu giữa thầy thuốc và người dân. Thông qua các hoạt động truyền thông hiệu quả, họ góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe, khơi dậy trách nhiệm tự chăm sóc và phòng bệnh trong cộng đồng. Đặc biệt trong những thời điểm nhạy cảm như đại dịch COVID-19, đội ngũ này đã phát huy vai trò then chốt trong truyền thông nguy cơ, chống tin giả, định hướng dư luận và hỗ trợ các chiến dịch tiêm chủng, truy vết, khoanh vùng dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị chuyên đề Tăng cường năng lực Mạng lưới truyền thông GDSK
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai tại nhiều địa phương, công tác TT-GDSK đang gặp phải rất nhiều rào cản. Đội ngũ cán bộ làm công tác này thường thiếu thốn về nhân lực, trang thiết bị, kinh phí hoạt động, và đặc biệt là chưa được hưởng chế độ chính sách thỏa đáng. Nhiều nơi, số lượng cán bộ chỉ dao động từ 5–7 người, nhưng phải đảm nhiệm khối lượng công việc khổng lồ: xây dựng nội dung truyền thông, sản xuất tin bài, tổ chức sự kiện, phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông nội bộ, tham gia trực tiếp vào công tác phòng chống dịch… Đây không chỉ là những người làm công tác tuyên truyền mà còn là bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng, thậm chí là những “nhà báo ngành y” đúng nghĩa – kể lại câu chuyện ngành y bằng chính sự thấu cảm và trải nghiệm từ thực tiễn.
Tại Hội nghị chuyên đề tăng cường năng lực mạng lưới TT-GDSK do Bộ Y tế tổ chức, nhiều ý kiến đã phản ánh thẳng thắn về những bất cập kéo dài trong chế độ, chính sách đối với lực lượng này. Phần lớn cán bộ làm TT-GDSK đều là kiêm nhiệm, chưa có biên chế rõ ràng, không được bố trí định mức kinh phí truyền thông thường xuyên. Cán bộ tuyến xã – nơi “gần dân nhất” – thường chỉ là y sĩ, điều dưỡng kiêm nhiệm truyền thông mà không được hưởng bất kỳ khoản phụ cấp hay hỗ trợ nào phù hợp với khối lượng công việc và trách nhiệm được giao.

Cán bộ khoa TTGDSK ghi hình phỏng vấn bệnh nhân COVID-19
Trong khi đó, mức phụ cấp ưu đãi dành cho cán bộ TT-GDSK hiện nay lại đang ở mức rất thấp – thấp nhất trong nhóm các đối tượng ngành y tế được hưởng phụ cấp. Điều này hoàn toàn không tương xứng với vai trò, áp lực công việc và sự đóng góp thầm lặng của họ đối với sức khỏe cộng đồng. Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp, sẽ rất khó để giữ chân và phát triển đội ngũ làm công tác truyền thông y tế một cách chuyên nghiệp, bền vững.
Trước thực trạng đó, việc sửa đổi và bổ sung Nghị định về phụ cấp ưu đãi theo nghề là cơ hội quý báu để Chính phủ và Bộ Y tế thể hiện sự quan tâm đúng mức. Cần có quy định cụ thể nhằm bảo đảm đội ngũ làm công tác TT-GDSK được hưởng phụ cấp ở mức từ 40% trở lên – phù hợp với tính chất đặc thù, cường độ làm việc cao và vai trò chiến lược của họ trong hệ thống y tế. Đồng thời, cần nghiên cứu quy định rõ ràng về vị trí việc làm, định biên nhân sự, cũng như bố trí ngân sách truyền thông y tế ở các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng đã khẳng định: Bộ Y tế sẽ giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì xây dựng đề xuất chính sách phù hợp cho đội ngũ TT-GDSK, giúp họ yên tâm công tác, phát huy năng lực và gắn bó lâu dài với ngành. Việc nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng truyền thông, cũng như đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cũng cần được lồng ghép trong các chương trình phát triển nhân lực y tế toàn diện.

Cán bộ khoa TTGDSK ghi hình tại phòng phẫu thuật
Thực tế tại Quảng Ninh cho thấy, khi được tạo điều kiện, đội ngũ truyền thông y tế có thể phát huy hiệu quả rõ rệt. Họ chủ động, sáng tạo trong các chiến dịch truyền thông nguy cơ, truyền thông thay đổi hành vi, góp phần nâng cao nhận thức phòng dịch và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhưng để mô hình đó lan tỏa, để TT-GDSK thực sự trở thành một trụ cột vững chắc trong hệ thống y tế, không thể chỉ trông chờ vào tinh thần trách nhiệm – mà cần có sự đầu tư đúng mực, công bằng từ chính sách chế độ đến nguồn lực hoạt động.
Việc nâng mức phụ cấp ưu đãi không chỉ là một bước đi mang tính khích lệ, mà còn là sự ghi nhận xứng đáng với công sức của những người ngày đêm thầm lặng gìn giữ “sức khỏe tinh thần” cho cộng đồng – bằng thông tin đúng đắn, kịp thời và đầy tính nhân văn.
Hoàng Yến – CDC Quảng Ninh