Chiều ngày 30/6/2023, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến Sơ kết 3 năm thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế giai đoạn 2021 – 2025 với Sở Y tế 63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế; Thành viên thường trực Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) tại tỉnh theo QĐ số 3031/QĐ-UBND; Trưởng/phó các phòng chức năng thuộc Sở; Lãnh đạo, cán bộ đầu mối các chương trình MTQG thuộc CDC Quảng Ninh, Chi cục Dân số – KHHGĐ cùng lãnh đạo, cán bộ chuyên môn một số TTYT trên địa bàn tỉnh.
Hiện cả nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Sở Y tế Quảng Ninh
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm qua (2021-2023), ngành y tế đã xây dựng các đề án, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện. Trong đó, nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (8.845 tỷ đồng); Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn Ngân hàng Phát triển Châu Á (2.000 tỷ đồng); Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở nguồn vốn WB (1.140 tỷ đồng). Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 91,0% năm 2020 lên 96% năm 2022. Ngành cũng đã làm tốt công tác tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đối với trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 90%; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 90,85% năm 2020 lên 92,03% năm 2022.
Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, Bộ Y tế đã bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung thực hiện theo phân công trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo công tác tổ chức thực hiện chương trình và điều phối, phối hợp trong quản lý tổ chức thực hiện.
Về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngành y tế được giao thực hiện nội dung: đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý và chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Thời gian qua, Bộ Y tế đã thực hiện đầy đủ, kịp thời theo hướng dẫn và đề nghị của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành về lập kế hoạch, phân bổ vốn để triển khai các dự án, tiểu dự án về y tế.

Quảng cảnh hội nghị trực tuyến với Bộ Y tế
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để các bộ, ngành, địa phương thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Tại Quảng Ninh, những năm qua nhờ thực hiện tốt các chương trình MTQG về y tế, Ngành Y tế tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng sức khoẻ người dân. Để thực hiện tốt các chương trình này, Ngành đã quan tâm đến việc kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, nhất là ở tuyến cơ sở. Đến nay, toàn Ngành có 4,9 bác sĩ/vạn dân, 2,7 dược sĩ đại học/1 vạn dân, 24 điều dưỡng/1 vạn dân, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 95% dân số; quản lý, theo dõi sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử cho 90% dân số; chỉ tiêu giường bệnh/1 vạn dân đạt 56,6 giường bệnh/1 vạn dân và 100% các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều có bác sĩ. Bên cạnh đó, để các hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, Sở Y tế đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp liên ngành trong thực hiện; chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp can thiệp và thực hiện các biện pháp dự phòng có hiệu quả, ưu tiên các vùng còn nhiều khó khăn như miền núi, hải đảo, nông nghiệp, nông thôn nhằm giảm sự khác biệt giữa các vùng miền trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế. Các dự án thuộc chương trình MTQG về y tế luôn được triển khai mạnh mẽ tại tất cả các tuyến, nhiều mô hình, giải pháp can thiệp, cách làm sáng tạo được phát huy hiệu quả. Qua đó thể hiện sự tham gia tích cực và vai trò chuyên môn của từng đơn vị. Với việc thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG về y tế, trong nhiều năm qua, Quảng Ninh không có dịch bệnh lớn, vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra; các vụ dịch bệnh nhỏ được khống chế dập tắt kịp thời; chất lượng sức khoẻ người dân được tăng lên, tuổi thọ bình quân của người dân trong tỉnh tăng; tỷ lệ tử vong mẹ, suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi và những tai biến sản khoa đã giảm dần qua các năm và đang duy trì ở mức thấp. Công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ người dân nhờ đó ngày càng phát huy hiệu quả cao.
Trong thời gian tới, Ngành y tế tỉnh sẽ tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ chính, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp về công tác dân số trong tình hình mới, bảo đảm thống nhất nhận thức, hành động và ủng hộ của toàn xã hội trong việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số – phát triển; Tăng cường công tác truyền thông tại tất cả các tuyến, xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của mạng lưới truyền thông cơ sở; Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với củng cố và đổi mới hệ thống y tế trực thuộc; Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và tranh thủ nguồn hỗ trợ quốc tế cho các hoạt động dự án thuộc chương trình MTQG về y tế trên địa bàn tỉnh.
Thanh Nga (CDC)