Tuổi càng cao, nguy cơ mắc các bệnh lý càng lớn, đó có thể gọi là những chứng bệnh tuổi già. Rối loạn tiền đình cũng là một trong nhiều căn bệnh như vậy. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở người cao tuổi nhất và xảy ra với mức độ khá phức tạp.
Tiền đình là một bộ phận của tai, nằm phía sau ốc tai, được điều khiển bởi hệ thần kinh. Tiền đình có vai trò giữ thăng bằng cho toàn bộ cơ thể và những hoạt động của cơ thể như: cúi, đứng, di chuyển,…Tuy nhiên ở người già hệ thần kinh thường bị suy giảm, vì thế thường gặp phải bệnh rối loạn tiền đình.

Hệ thống tiền đình
Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ở người già là do: Bệnh thiếu máu não; rối loạn lipid máu ở người mắc bệnh gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch; một số bệnh lý về hệ thần kinh như viêm dây thần kinh, u dây thần kinh; bệnh huyết áp thấp, huyết áp cao; cơ xương khớp bị tổn thương như thoái hóa cột sống, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm,…Ngoài ra, người già có thể mắc bệnh này do gặp phải một số yếu tố như: thời tiết thay đổi đột ngột, môi trường sống nhiều tiếng ồn, người ít vận động, thường xuyên sử dụng rượu bia, làm việc căng thẳng, stress,…
Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết: “Rối loạn tiền đình thường có những biểu hiện đặc trưng như chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng, cơ thể loạng choạng, đi lại không vững,…Đặc biệt các triệu chứng này xuất hiện thường xuyên, đột ngột khiến người bệnh không thể tự chủ. Ở người già khi mắc phải căn bệnh này sẽ gặp các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt kèm theo chóng mặt. Một số trường hợp còn xuất hiện triệu chứng kèm theo như buồn nôn, chân tay tê cứng, nhịp tim tăng cao,…Với một số bệnh nhân có bệnh nền như huyết áp cao, chỉ số huyết áp sẽ tăng cao. Những người huyết áp thấp thì chỉ số huyết áp sẽ giảm”.

Bệnh rối loạn tiền đình có thể xuất hiện trong một vài ngày rồi hết tuy nhiên cũng có thể kéo dài và thường xuyên tái phát. Rối loạn tiền đình không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, công việc. Mà bệnh này còn làm giảm chất lượng cuộc sống do mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, run rẩy, tê bì tay chân thậm chí nguy hiểm đến tính mạng đặc biệt trong lúc có bệnh nếu cố gắng đi lại có thể ngã gây chấn thương xây xước da, chảy máu, thậm chí gãy chân tay, chấn thương sọ não. Biến chứng nguy hiểm nhất là có thể bị đột quỵ, tai biến.

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, rối loạn tiền đình ở người cao tuổi cần được theo dõi và điều trị theo đúng phương pháp, tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì các loại thuốc khác nhau sẽ phù hợp với các tình trạng bệnh khác nhau. Hiện nay có 2 phương pháp điều trị chủ yếu gồm: Phương pháp đông y như massage, bấm huyệt, châm cứu, các bài thuốc dân gian được nghiên cứu công nhận. Phương pháp tây y như sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tập bài tập phục hồi chức năng, phẫu thuật nếu cần thiết. Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen hàng ngày cũng góp phần đáng kể trong khắc phục chứng rối loạn tiền đình. Người cao tuổi có thể cải thiện tình trạng bệnh bằng cách sau đây:
– Duy trì tập luyện một số bài thể dục thể thao nhẹ nhàng ngay tại nhà như: tập yoga, tập dưỡng sinh, tập vẩy tay,…để giúp cơ thể dẻo dai hơn, giúp giảm căng thẳng, stress, tăng tính tập trung, điều hòa nhịp tim.
– Người cao tuổi nên đi bộ 30 đến 45 phút mỗi ngày để điều hòa thần kinh, tăng cường sức khoẻ cho cơ thể.
– Ngủ đủ giấc, đúng giờ, bởi nếu thiếu ngủ tình trạng bệnh sẽ càng trở nên nặng nề hơn, khó điều trị dứt điểm rối loạn tiền đình.
– Nên duy trì ngâm chân với nước ấm hàng ngày giúp việc lưu thông máu tốt hơn, cơ thể dễ chịu hơn. Bệnh nhân cũng ngủ ngon và sâu giấc hơn.
– Sống thoải mái, vô tư, tránh stress, vì stress kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới bệnh nhân rối loạn tiền đình, nhất là với người già.
– Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, khoa học: Người lớn tuổi cần ăn đủ bữa, không nhịn hay bỏ bữa; tăng cường bổ sung các loại trái cây tươi, rau xanh, các loại thực phẩm giàu chất xơ, các loại hạt đậu tốt cho sức khỏe; uống đủ nước mỗi ngày từ 1-2 lít để cải thiện tình trạng mất nước, giúp tinh thần luôn tỉnh táo; bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, acifolic từ các loại thực phẩm khác nhau; hạn chế những loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại đồ ăn chứa nhiều muối,các loại thực phẩm giàu chất béo như mỡ, sữa dừa…, các loại đồ uống có gas, có cồn; bởi đây là những món ăn rất dễ gây tắc mạch, tăng nồng độ cholesterol và là nguyên nhân gây thêm nhiều bệnh lý khác.
Bệnh rối loạn tiền đình ở người cao tuổi nếu không được phát hiện và chữa trị sớm sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe do đó khi gặp các dấu hiệu kể trên người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị hợp lý nhất.
Ngọc Phượng, Mạnh Hùng (CDC QN)