Từ một cô y sĩ tại bệnh viện Đa khoa khu vực Vân Đồn, sau trở thành bác sĩ đa khoa tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vân Đồn, tính đến nay bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Khoa Kiểm soát dịch bệnh – Phòng chống HIV/AIDS đã có hơn 10 công tác và gắn bó với nghề y, với sự nghiệp y tế dự phòng, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Sinh ra và lớn lên ở Vân Đồn, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hải Phòng chuyên ngành bác sĩ đa khoa năm 2013, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo đã quyết định quay trở lại làm việc và cống hiến cho mảnh đất nơi mình sinh ra. Dù tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa nhưng lại bén duyên với nghề bác sĩ dịch tễ, người bác sĩ trẻ ấy đã sống trọn với nghề cho đến tận bây giờ.

Bác sĩ Thảo tham gia tiêm chủng tại nhà, khám sàng lọc cho người dân
Là một bác sĩ dịch tễ, bên cạnh những yêu cầu về chuyên môn, tỉ mỉ và cẩn trọng là tố chất tất yếu. Với công việc chính là phát hiện, xác định và giám sát các vấn đề về sức khoẻ cộng đồng; dự báo, kiểm soát và khống chế các bệnh dịch nguy hiểm, các tác nhân truyền nhiễm gây dịch; xây dựng kế hoạch và hoạt động chuyên môn, quản lý các chương trình y tế, truyền thông giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng. Có thể nói, các bác sĩ dịch tễ luôn là những người đi trước và đi sau mỗi đợt dịch bệnh, âm thầm, lặng lẽ với công việc quan trọng là phát hiện, ngăn chặn và hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Trong hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, với vai trò là cán bộ chủ chốt trong công tác phòng chống dịch, bác sĩ Thảo luôn chủ động làm tốt công tác nắm bắt, đánh giá tình hình, tham mưu kịp thời giúp lãnh đạo Khoa, Ban Giám đốc và Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch huyện đưa ra các giải pháp chỉ đạo tích cực “từ sớm, từ xa”, nhằm kiểm soát, khống chế dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Phối hợp chỉ đạo các trạm y tế xã, phường thực hiện điều tra, rà soát các đối tượng nguy cơ cao; tổ chức cách ly và tham gia lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 theo quy định.

Bác sĩ Thảo (thứ nhất trái sang) cùng đội ngũ cán bộ y tế TTYT Vân Đồn tham gia tiêm chủng tại nhà cho người dân xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn
Bên cạnh đó, với mục tiêu bao phủ tối đa vắc xin cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, TTYT huyện Vân Đồn là một trong những địa phương đầu tiên triển khai tiêm chủng tại nhà cho người dân, đối tượng chủ yếu là người già, người không thể đi lại. Trong đó, bác sĩ Thảo được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất của đơn vị. Những công việc nặng nhọc như vác bình oxy hay bê, vận chuyển vali cấp cứu, người bác sĩ ấy cũng chẳng chút nề hà. Những ngày trời mưa, đường trơn, tàu bè hỏng, phải lênh đênh trên biển hàng giờ đồng hồ cũng không thể cản bước chân của chị và những người bác sĩ kiên cường như chị trên con đường đem vắc xin đến với người dân.
Thời điểm bấy giờ, khi cả nước cùng chung tay chống dịch, cả tỉnh triển khai tiêm chủng diện rộng, việc phải làm thêm giờ từ sáng tới tối muộn, tăng ca thứ 7, chủ nhât, thậm chí cả những ngày lễ đã trở nên quen thuộc với những người bác sĩ ấy. Những bữa cơm đơn giản với quỹ thời gian hạn hẹp tiếp diễn liên tục từ ngày này qua ngày khác. Nhiều khi vì quá mệt mà việc ăn uống cũng trở nên qua loa để tranh thủ có thời gian chợp mắt rồi lại tiếp tục lên đường…

Bác sĩ Thảo tham gia giám sát và hỗ trợ khám tại điểm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 TYT xã Hạ Long, Vân Đồn ngày 21.2.2023
Mệt mỏi là thế nhưng chị vẫn rất vui. Chị bảo nhiều khi đi tiêm, được bà con quan tâm, yêu thương rồi phối hợp với mình trong việc tiêm chủng là điều tuyệt vời nhất rồi. Hạnh phúc của họ thời điểm đó thật đơn giản, chỉ cần người dân đồng lòng, đồng thuận, đồng ý tiêm chủng đã đủ để vơi đi bao nặng nhọc của một ngày dài. Dù vậy nhưng cũng có những người họ không chịu tiêm, họ sợ biến chứng, sợ ảnh hưởng sức khoẻ và rồi công việc của các chị lại phải kéo dài đến gần nửa đêm…để tới tận nhà tuyên truyền, giảng giải hay gọi điện vận động người dân đi tiêm khi tới lịch.
Mệt mỏi, áp lực, khó khăn là vậy. Đến cả một giấc ngủ bình thường cũng chẳng có, vậy sao chị vẫn gắn bó với công việc này đến vậy. Chị chỉ cười bảo: “Nếu kể thì nhiều lắm, mệt lắm, nản lắm nhưng làm nhiều cũng quen. Chỉ đơn giản vì mình làm ngành y, vì mình là một bác sĩ mà”.

Hình ảnh đời thường của bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo
Với những người mà đam mê là một nửa sự sống như bác sĩ Thảo thì việc có những người hiểu, yêu thương và trân trọng họ là một điều may mắn. Có thể nói gia đình là động lực lớn nhất để bác sĩ Thảo yên tâm công tác và kiên định con đường mình đã chọn. Không hoàn toàn ủng hộ nhưng chứng kiến sự nỗ lực, cố gắng của chị, mọi người đã dần cảm thông và đồng cảm với người bác sĩ ấy. Mỗi khi chị khó khăn, mệt mỏi hay áp lực, gia đình luôn ở bên, động viên và là điểm tựa vững chắc phía sau chị.
Có lẽ vì vậy mà nỗi lo, sự áy náy khi không thể làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, một người vợ trong gia đình vẫn luôn thường trực trong chị. Chị tâm sự: “Gia đình là điều may mắn nhất mà mình có được. Nhà mình có 1 cháu gái 10 tuổi. Vì đặc thù công việc nên nhiều khi cũng thấy buồn vì không thể bên con, theo sát sự trưởng thành của con. Trước có đợt phải cách ly do dịch COVID-19, xa con đến cả tháng. Chỉ được nhìn con qua màn hình điện thoại. Nhiều khi nghĩ cũng thấy thương vì con còn nhỏ quá.”
Giờ đây khi nhắc lại những kỷ niệm ấy, đôi mắt chị vẫn rưng rưng. Tôi hiểu rằng chị và những người đồng nghiệp của chị đã vất vả như thế nào. Họ hy sinh thời gian bên gia đình, hy sinh sức khoẻ mà đôi khi là cả thanh xuân chỉ để khoác lên mình tấm áo blouse trắng với đầy rẫy những gánh nặng vô hình. Giờ đây khi dịch bệnh đã được kiểm soát, chị lại quay về với những công việc thường ngày, vẫn bận rộn, khó khăn và áp lực nhưng sẽ có nhiều thời gian hơn bên gia đình và những người yêu thương.
Ở cơ sở, biết một việc đã khổ nhưng bác sĩ Thảo lại luôn muốn được học tập và hiểu thêm nhiều chuyên khoa, chương trình y tế tại đơn vị. Không chỉ nâng cao khả năng hiểu biết cho bản thân mà còn giúp chị bao quát, thuận tiện trong việc hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp khi cần.
Nhận xét về bác sĩ Thảo, một cán bộ trong khoa cho biết: “Được công tác với chị đến nay gần 10 năm, chị là một người bác sĩ có tinh thần trách nhiệm cao, năng động trong công việc. Là người chịu trách nhiệm chính trong công tác tiêm chủng và phòng chống dịch, chị luôn phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, chỉ đạo và bao quát công việc. Không chỉ vậy, chị cũng thường xuyên quan tâm, chia sẻ với mọi người xung quanh. Chị cũng là người sâu sát với công việc, thường xuyên đi cơ sở hướng dẫn và chỉ đạo chuyên môn. Nhờ thái độ đúng mực và trách nhiệm trong công việc, chị luôn nhận được sự tôn trọng và yêu mến của anh em trong đơn vị.”
Bác sĩ Bùi Thị Thuy, Giám đốc TTYT. Vân Đồn chia sẻ: “Thảo là một bác sĩ rất tận tâm với nghề, vững chuyên môn và rất tận tình trong công việc. Dù trên cương vị nào, bác sĩ Thảo cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và được đồng nghiệp tin yêu, quý mến. Tôi rất vui khi có những người như bác sĩ Thảo công tác và làm việc tại đơn vị.”

Bác sĩ Thảo tham gia khám sàng lọc tiêm chủng vắc xin cho trẻ
Đồng nghiệp và lãnh đạo nhận xét là vậy, nhưng chị vẫn luôn nhận mình là người nghiêm khắc trong công việc. Bởi theo chị, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phải nghiêm khắc với chính bản thân mình. Có lẽ nhờ sự nghiêm khắc đó mà trong những năm qua, công tác phòng chống dịch và tiêm chủng của đơn vị luôn đạt kết quả cao, tỷ lệ bao phủ và tiến độ tiêm chủng các loại vắc xin toàn huyện luôn ở mức đầu toàn tỉnh. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ người mắc bệnh truyền nhiễm giảm dần qua từng năm, các chương trình tiêm chủng do chị phụ trách hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Đạt nhiều kết quả tốt như vậy, chị vẫn khiêm tốn: “Cũng chưa tốt hẳn đâu, vẫn còn nhiều thiếu sót và nhiều thứ mình cần phải làm lắm, cứ cố gắng từng ngày thôi. Với lại những kết quả đó là thành tích chung của mọi người chứ mình chị chưa chắc đã làm nổi.”
Tiếp xúc và làm việc với chị, ai cũng nhận ra sự cởi mở, giản dị và tâm huyết với nghề. Một người đồng nghiệp gần gũi, sâu sát, gắn bó với cơ sở. Bất kể trong hay ngoài giờ, nơi nào cần là chị có mặt để hỗ trợ ngay. Chị luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đồng nghiệp, giữ mối liên hệ gắn kết với lãnh đạo 12 trạm y tế trên địa bàn huyện, giúp công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng luôn được đảm bảo. Không những thế, bác sĩ Thảo còn tham gia hỗ trợ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn, tham gia cùng đoàn cứu trợ vùng lũ lụt, thiên tai trên địa bàn huyện.
Với những thành tích trên, năm 2020 bác sĩ Thảo vinh dự đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; nhận giấy khen của Công đoàn Nghành cho cán bộ, nhân viên tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 năm 2021 và Bằng khen của UBND tỉnh cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chiến dịch cao điểm tiêm chủng diện rộng COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đó là sự ghi nhận cho những cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, là động lực để chị luôn kiên định và vững tâm tiếp tục con đường mình đã chọn, con đường đầy gian khổ mà cũng đầy vinh quang.
Chia tay với chị, tôi thầm mong sẽ có ngày càng nhiều hơn các bác sĩ tâm huyết, yêu nghề như chị đến với huyện đảo Vân Đồn, gắn bó với công tác y tế dự phòng để sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng biển đảo của tỉnh ngày một tốt hơn.
Thanh Nga (CDC)