Từ giã gia đình tôi đi du học ở châu Âu, khởi đầu cho một cuộc sống mới, tôi đã đem theo mình tất cả những kỷ niệm vui buồn của tuổi ấu thơ, xếp theo hành trang cho cuộc hành trình viễn xứ. Có những kỷ niệm đã trở thành cũ kỹ, có những đau buồn đã nhàu nát với thời gian, nhưng đón Tết quê nhà trên xứ lạ luôn mang đến cho tôi những cảm xúc quen mà lạ. Một tuần trước Tết của quê hương, tôi lại cứ theo thói quen đi "chợ Tết" mặc dù nơi đây, một xứ của trời Âu, Tết của họ đã qua cả tháng. Và "chợ Tết" trên xứ người rất lạ, không quen. Không có chợ bông rực sắc mai, đào, thọ... Đang là giữa đông nên muốn mua hoa chưng bàn thờ không đơn giản. Bánh mứt ở các cửa hàng chạp-phô của người Á Châu cũng lèo tèo vài thứ. Và để cho đầy một mâm ngũ quả cổ truyền phải săn tìm khắp mọi nơi.
Tôi bắt đầu tự gói bánh chưng, tranh thủ thức gói, nấu thâu đêm. Cái cảm giác lâng lâng rất lạ, như của một kẻ mới yêu. Và nỗi nhớ những đêm thức canh nồi bánh chưng ở quê nhà lại quay về trong tôi như người tình cũ, nao nao... Rồi xúc cảm cứ nối tiếp niềm cảm xúc, trào dâng như lớp lớp sóng nổi trôi, sôi sục theo con nước trong nồi bánh. Có ai xa quê đón Tết mà chưa từng rơi lệ! Đón Tết quê hương nơi xứ lạ cũng tất bật không thua gì tại quê nhà, vì trên xứ người, công việc thường nhật vẫn cứ tiếp tục, vốn dĩ đã rất eo hẹp thời gian dù nhà tôi chỉ vỏn vẹn có hai nhân khẩu. Nhưng tôi vẫn cứ theo phong tục quê hương, chuẩn bị rất nhiều cho ngày Tết, từ bánh mứt, trà rượu, bánh chưng, củ kiệu, đồ chua... hoa quả chưng bàn thờ thì không thể thiếu (dù năm đó mùa đông có quét qua khắc nghiệt đến đâu đi nữa), câu đối đỏ và cả bao đỏ lì xì nữa. Cứ y như tôi đang sống tại quê hương, giữa những người mà tôi hằng yêu dấu. Và trong mỗi công việc của sự chuẩn bị, đều chất chứa niềm thương, nỗi nhớ, cả nỗi bồi hồi chờ đợi phút thiêng liêng thương quen, rất quen, thấm đượm vào trong máu. Tôi cứ như con thoi trong cái tuần trước Tết. Mệt mà vui. Dù năm nào cũng rơi lệ, có lúc lặng thầm, cũng có năm òa vỡ như một con đê mùa lũ.
Có ai xa quê đón Tết mà chưa từng rơi lệ! (Ảnh minh họa)
Tết mà đến muộn trong tháng hai, thì tôi lại có thêm một niềm vui là chờ hoa khai. Vì trong tháng hai, xứ bạn mới có những cành đào chớm nụ. Có khi xin, có lúc mua, có khi bẻ dọc đường xe chạy, khi chợt nhìn thấy. Không năm nào, đón Tết giống năm nào. Và sự hồi hộp, xem hoa có hé nở đúng mồng một hay không cũng là một cái thú. Đêm trừ tịch, là đêm thiêng liêng nhất trong năm, mọi sự chuẩn bị đã đâu vào đó trước một ngày. Chỉ còn làm cơm rước ông bà vào trưa ba mươi. Tôi thường hay nghĩ rằng, không biết ông bà tổ tiên, có kịp làm visa và mua vé ghé qua thăm nhà tôi đúng dịp?! Giờ phút giao thừa, tôi tất bật giữa công việc hằng ngày và cúng bái. Ở quê nhà là 24 giờ, ở nơi đây mới 6 giờ chiều. Nếu xúi quẩy, lại rơi vào cái ngày nhiều việc, thì tôi thật khổ sở. Lại chẳng năm nào, giống năm nào trong đêm trừ tịch. Duy chỉ có một cảm xúc không bao giờ đổi: là niềm cảm nhận sự thiêng liêng của đất trời, khi chắp tay dâng hương bái tạ tổ tiên. Gióng lên ba hồi chuông vang vọng đón mừng năm mới, giây phút đó bùi ngùi khôn tả. Nhớ nhất là dáng của Cha tôi, khi Người thành kính dâng hương, miệng lầm rầm khấn bái: "Cao tằng thủy tổ..."
Dù xa quê cả chục ngàn cây số, thừa hưởng tập tục ngàn đời của ông bà, trước bàn thờ tổ tiên, tôi lại nối dài tiếp theo cái bóng của Cha, thành kính dâng hương. Ôi, đêm trừ tịch bao la, phút giao thừa thiêng liêng, thấm dòng máu đã quen, nhưng sao cứ nghe nao nao lạ.
Đông tàn giá lạnh đón Xuân quê
Cứ ngỡ nơi đây cũng Xuân về
Sắm sửa hương hoa, đi "chợ Tết"
Ngũ quả bánh trà câu đối kề
Trừ tịch mênh mang sâu lắng lạ
Chắp tay khấn nguyện cõi trời xa
Tha phương đã bấy chiều bóng ngả
Thêm một đêm đông ngỡ Xuân nhà.
Hãy chia sẻ câu chuyện “Tết và những kỉ niệm đáng nhớ” cùng cơ hội nhận quà Bấm đường link : TỔNG GIÁ TRỊ GIẢI THƯỞNG LÊN ĐẾN 15 TRIỆU ĐỒNG | |
Việt Báo
|
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn