Hội chứng sau mắc COVID-19 hay còn gọi là
Long COVID/COVID kéo dài
“COVID kéo dài” (Long COVID), còn được gọi
là hội chứng sau mắc COVID-19 hoặc di chứng sau giai đoạn mắc COVID-19 cấp
tính, chỉ tình trạng các triệu chứng của bệnh vẫn tồn tại trong hơn 4
tuần kể từ khi được phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2, thậm chí có thể kéo
dài tới 12 tuần trở lên.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới
khoảng 20% số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài,
trong số đó 10% không thấy khỏe lại sau 12 tuần và thậm chí có một số bệnh nhân
gặp phải tình trạng suy nhược.
Hiện có tới khoảng 200 triệu chứng của “COVID
kéo dài” được ghi nhận. Các nghiên cứu cho thấy các triệu chứng này thường xảy
ra ở nữ giới nhiều hơn ở nam giới.
Các triệu chứng phổ biến của di chứng Long
COVID bao gồm: Cực kỳ mệt mỏi; khó thở; hồi hộp, lo lắng; đau hoặc tức ngực;
các vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung (còn gọi là hội chứng sương mù
não); khó ngủ (mất ngủ); tim đập nhanh; chóng mặt; đau khớp; trầm cảm
và lo âu; ù tai, đau tai; cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, chán
ăn; nhiệt độ cao, ho, nhức đầu, đau họng, thay đổi khứu giác hoặc vị giác; phát
ban.
Tạp chí Science cũng trích dẫn nhiều nghiên cứu
cho thấy COVID-19 có thể là khởi đầu dẫn đến những tác động sức khỏe lâu dài và
nghiêm trọng hơn như suy giảm chức năng não bộ, gia tăng hình thành cục máu
đông có thể dẫn tới đột quỵ, hình thành các ổ viêm cơ tim…
Cho tới nay, nguyên nhân gây ra hội chứng
“COVID kéo dài” vẫn chưa được xác định hoàn toàn rõ ràng. Theo một số nghiên
cứu, virus SARS-CoV-2 có thể gây viêm trong mạch máu hoặc tế bào, từ đó sản
sinh chất độc với não hoặc mạng lưới mạch máu. Một giả thuyết khác là tình trạng
tự miễn, trong đó virus “đánh lạc hướng” hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể sản
sinh kháng thể chống lại các mô của chính mình và tình trạng này có thể tồn tại
suốt nhiều tháng.
Các chuyên gia đều khuyến cáo “COVID kéo dài”
ảnh hưởng tới khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của
người mắc COVID-19, có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân,
gia đình và xã hội.
Nghiên cứu này ước tính có thể có tới 2 triệu
người ở xứ England, vùng đông dân nhất và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch
ở Vương quốc Anh, đã gặp hội chứng “COVID kéo dài”.
Còn tại Mỹ, Viện Y tế quốc gia cũng đưa ra
con số 10 – 30% người mắc COVID-19 tại nước này có thể phải vật lộn với các triệu
chứng lâu hơn so với bình thường, theo The Washington Post.
Trong đó, vấn đề phát hiện và điều trị sớm “COVID
kéo dài” đang là bài toán khó nhất, đặc biệt là ở trẻ em. Một lý do là nhiều trẻ
em mắc COVID-19 dạng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nên càng khó chẩn
đoán hội chứng “COVID kéo dài”. Ngoài ra, hầu hết các em cũng không được xét
nghiệm COVID-19, nên việc xác định hội chứng “COVID kéo dài” trong thực tế lại
càng khó.