Do có nhiều bằng chứng
chỉ ra sức ảnh hưởng đáng kể của tâm thần trong đại dịch COVID-19, các chuyên
gia lo ngại rằng những người bước ra từ đại dịch sẽ mắc các vấn đề sức khỏe tâm
thần dai dẳng, cũng như cách tốt nhất để ứng phó với nó.
TS.BS Silvia S.Martins,
phó giáo sư dịch tễ học của trường y tế công cộng Mailman, thuộc ĐH Columbia,
thành phố New York phát biểu trên tạp chí y khoa Medscape Medical News rằng
các nhà lâm sàng nên lưu ý là những bệnh nhân từng nhiễm COVID thường có các
triệu chứng về tâm thần.
Bà Martins nói: “Nên
tầm soát lo âu, rối loạn stress sau sang chấn và trầm cảm trên tất cả những
bệnh nhân hồi phục sau nhiễm COVID, giới thiệu họ đến các dịch vụ, bao gồm cả
liệu pháp tâm lý và thuốc, nếu cần.” Bà và đồng nghiệp công bố các triệu chứng
này chiếm tỷ lệ rất cao trên những bệnh nhân từng mắc bệnh.
Đại dịch COVID-19 đã
gây ra những thiệt hại to lớn về xã hội, tình cảm và sức khỏe cộng đồng. Nó làm
gián đoạn cuộc sống thường nhật, làm dấy nên nỗi căng thẳng, sợ sệt và hoang
mang về những mất mát, cả về sức khỏe và thu nhập, chưa kể đến việc bị giãn
cách.
Không chỉ vậy, một con
số đáng kể các bệnh nhân mắc COVID-19 vẫn tiếp tục có những triệu chứng sau
giai đoạn cấp của bệnh. Hội chứng hậu COVID, hoặc “trường kỳ” vẫn chưa thực sự
rõ ràng; các chuyên gia dẫn chứng một loạt các triệu chứng kéo dài hàng tuần
đến hàng tháng.
Những triệu chứng dai
dẳng này bao gồm ho, mệt mỏi, đau mạn và cả những than phiền về tâm thần. Như
đã báo cáo trên tạp chí y khoa Medscape, một nghiên cứu quan sát 230.000 hồ sơ
sức khỏe của những bệnh nhân tại Mỹ đã tiết lộ có 1/3 số người sống sót sau
COVID-19 được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần hoặc thần kinh trong vòng 6 tháng sau
nhiễm vi-rút.
Chẩn đoán tâm thần
thường gặp nhất là các rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc, lạm dụng chất gây
nghiện và mất ngủ.
Triệu chứng rõ rệt cả
trên những trường hợp nhẹ
Một nghiên cứu khác
chứng tỏ những người mắc COVID-19 mức độ nhẹ cũng gặp phải các triệu chứng tâm
thần không liên quan đến chẩn đoán tâm thần trước đó. Các kết quả trên gần 900
bệnh nhân cho thấy 2 tháng sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút,
26% số đó bị trầm cảm, 22% bị lo âu và 17% có các triệu chứng stress sau sang
chấn. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng vì đa phần những người mắc COVID-19
đều ở thể nhẹ.
Điều tra viên Mauricio
J. Castaldelli-Maia, TS BS, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, khoa dịch tễ trường y
tế công cộng Mailman, ĐH Columbia phát biểu trên tạp chí y khoa Medscape:
“Chúng tôi thấy các triệu chứng trầm cảm, lo âu, stress sau sang chấn có mức độ
rất nặng trên lâm sàng ở những người nhiễm bệnh nhẹ”
Ông cho rằng những
triệu chứng này một phần là do thời gian dài bị phong tỏa trong không gian chật
hẹp điển hình của những thành phố lớn như São Paulo của Brazil, dù là với các
thành viên trong gia đình.
Bác sĩ Vivian Pender,
chủ tịch Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association –
APA) và là giáo sư tâm thần học lâm sàng tại Trung tâm Y tế Weill Cornell,
thành phố New York trả lời với tạp chí y khoa Medscape rằng việc giãn cách xã
hội có thể ảnh hưởng to lớn đến những người sống phụ thuộc nhiều vào các mối
liên kết và quan hệ xã hội.
Bà nói: “Việc chúng ta
không thể gặp mặt đồng nghiệp, bạn bè, gia đình của, và với các bác sĩ tâm thần
là cả bệnh nhân của chúng ta đã gây ra thiệt hại cho tất cả mọi người, khiến
chúng ta căng thẳng nhiều hơn, lo âu nhiều hơn.”
Các cuộc khảo sát quốc
gia cho thấy các triệu chứng tâm thần xảy ra sau một đợt COVID cấp. Một khảo
sát tiết lộ trong 3900 câu trả lời từ những người từng mắc COVID, hơn 50% cho
biết mình có các triệu chứng của trầm cảm chủ yếu, ít nhất là ở mức vừa.
Phiên bản trầm cảm độc
nhất?
Một khảo sát khác, dự
kiến sẽ công bố vào cuối năm nay, cho thấy trên những bệnh nhân từng mắc COVID,
các yếu tố nguy cơ và triệu chứng trầm cảm của họ có phần khác hơn so với các
triệu chứng và yếu tố nguy cơ điển hình của rối loạn trầm cảm chủ yếu,
điều tra viên chính, GS.BS tâm thần Roy Perlis tại đại học y khoa Harvard,
Boston, Massachusetts đã phát biểu trên tạp chí y khoa Medscape.
Đây có thể là gợi ý
cho một yếu tố sinh học thần kinh. Các nhà nghiên cứu đang suy xét xem liệu các
vấn đề về tâm thần xảy ra sau nhiễm COVID là do tác động tâm lý – xã hội của
bệnh hay do các quá trình bệnh lý, như viêm nhiễm, ảnh hưởng đến não.
Phó chủ nhiệm nghiên
cứu, TS Faith Gunning thuộc khoa Tâm lý đại học khoa học y khoa Weill Cornell,
chuyên ngành tâm lý-thần kinh lâm sàng cho biết dù tỷ lệ các triệu chứng
tâm thần hậu COVID khác nhau giữa các nghiên cứu, ‘chúng có vẻ khá dai dẳng’
“Do đó, chúng không
chỉ là một phản ứng tức thời với việc bị ốm”, thực tế đó cho thấy có thể phải
cần đến việc điều trị. Bà phát biểu trên tạp chí y khoa Medscape: “Trong một
vài nghiên cứu đang tiến hành, các triệu chứng có vẻ vẫn tồn tại dai dẳng, ít
nhất là ở một nhóm cá thể tương đối lớn”
Gunning nói: “Thường
thì trầm cảm ảnh hưởng lên nữ giới nhiều gấp hai lần nam giới, nhưng các cuộc
khảo sát mới đây cho thấy, sau COVID, sự khác biệt đó đã không còn quá rõ.”
Chưa rõ tại sao lại
như thế, có thể là do các căng thẳng về tài chính ảnh hưởng nhiều đến nam giới
hơn, bà nói thêm: “Có rất nhiều thứ chúng tôi vẫn đang tìm hiểu”
Tăng nguy cơ
tự sát?
Các nhà nghiên cứu
khác, bao gồm bác sĩ, giáo sư tâm thần học Leo Sher trường Y khoa Icahn tại
Mount Sinai, trưởng khoa tâm thần nội trú, Trung tâm y tế quản lý cựu chiến
binh James J. Peters, thành phố New York lo ngại rằng tỷ lệ cao của các triệu
chứng tâm thần trên những bệnh nhân COVID trường kỳ sẽ làm tăng nguy cơ của ý
nghĩ và hành vi tự sát.
Ông Sher phát biểu tại
bài viết đăng trên Monthly Journal of the Association of Physicians rằng
cần ‘cấp thiết’ có các nghiên cứu về khả năng tự sát trên những người sống sót
khỏi đại dịch COVID.
Ông nói: “Chúng ta cần
nghiên cứu xem yếu tố nào có thể làm tăng nguy cơ tự sát trên những người sống
sót từ COVID-19, trong và sau khi hồi phục. Chúng ta cũng cần xem xét liệu nguy
cơ tự sát dài hạn có tăng trên những người từng mắc COVID-19 hay không.”
COVID-19 không phải là
bệnh lý hô hấp do vi-rút duy nhất có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần
dài hạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người sống sót từ đợt bùng phát của Hội
chứng suy hô hấp cấp nghiêm trọng (Severe acute respiratory syndrome –
SARS) năm 2013 đã trải qua những căng thẳng về tâm lý kéo dài ít nhất là 1 năm,
cả những bệnh nhân mắc Hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (Middle East
respiratory syndrome coronavirus – MERS-CoV) năm 2015 cũng vậy.
Một số chuyên gia tin
rằng các nhà lâm sàng nên tầm soát triệu chứng sức khỏe tâm thần trên những
bệnh nhân vừa trải qua đợt cấp của COVID và đề ra liệu trình chăm sóc sớm và
dài hạn.
BS Castaldelli-Maia
nói: “Can thiệp sức khỏe tâm lý sớm bằng các phương pháp như trị liệu tâm lý và
các nhóm hỗ trợ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các
vấn đề sức khỏe tâm thần có thể xảy đến trên những người hậu nhiễm COVID”
Pauline Anderson
Người dịch: BS Nguyễn Thị Hồng Nhung
www.medscape.com
Nguồn tham khảo: Pauline Anderson, May 2021, Psychiatric
Fallout From Long-COVID: How to Prepare, Medscape, News > Medscape
Medical News, https://www.medscape.com/viewarticle/952049